Nhảy đến nội dung
 

Một nửa dân số của làng bị câm điếc bẩm sinh, nguyên nhân gây bất ngờ

Nằm ẩn mình trong một khu vực biệt lập nơi cách thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) chừng 450km là làng Gokova.

Ngôi làng có cảnh đẹp như tranh vẽ nhưng dân số chỉ khoảng 120 người. Hầu hết người dân tại đây đều giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu bởi gần một nửa bị câm điếc bẩm sinh.

Không ai biết nguyên nhân đằng sau tình trạng này bởi hầu hết các gia đình đều có người khuyết tật.

Một số người tin rằng, dân làng bị mắc bệnh do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm qua nhiều thế hệ. Những khu công nghiệp gần đó chứa nhiều kim loại như sắt, asen và hóa chất thấm vào sông suối cùng nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Ông Rahmi Cizin, một người dân cho biết, cả làng có 48 người khuyết tật và đều cần được chăm sóc. Gia đình bà Sati Tozun có tới 4 người con bị khuyết tật, 3 trong số đó đều điếc và câm.

Anh Ali Tuzun, một trong những người không bị mất thính lực nhận định, hầu hết người bị khuyết tật trong làng đều rất khó hòa nhập với cuộc sống. Người dân ở đây luôn mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện vẫn được các chuyên gia tìm hiểu. Tuy nhiên một số nhà khoa học nhận định, tỷ lệ người bị câm điếc cao trong cộng đồng là do hôn nhân cận huyết.

Được biết, vị trí của ngôi làng nằm ở nơi biệt lập và hiếm khi có người từ bên ngoài tới sinh sống. Cộng đồng dân cư tại đây hầu hết đều là anh em trong họ. Việc kết hôn cận huyết tại làng Gokova không phải là chuyện lạ.

Từ lâu, người dân ở Gokova tồn tại phong tục đánh trống khi một em bé chào đời. Đó là cách họ xác định xem em bé sơ sinh có bị điếc hay không. Nếu em bé giật mình và khóc, đó là sự hạnh phúc với người làng.

Một ngôi làng khác là làng Dhadkaie ở Kashmir (Ấn Độ) cũng có nhiều nét tương đồng với làng Gokova. Làng Dhadkaie là nơi sinh sống của khoảng 2.800 cư dân và có tỷ lệ người bị câm điếc cao nhất thế giới.