Nhảy đến nội dung
 

Mới tuổi đôi mươi đã thấy... già: Đối mặt với chuỗi vấn đề về sức khỏe

Dù chỉ vừa ngoài tuổi đôi mươi nhưng nhiều người trẻ đã phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như mất ngủ kéo dài, đau lưng, rụng tóc, hay quên… Những căn bệnh thường gắn liền với tuổi trung niên, người già nay lại hiện hữu ở lứa tuổi luôn được xem là khỏe mạnh nhất.

Cơ thể trẻ, triệu chứng già

Dù mới tốt nghiệp đi làm chưa lâu, nhưng L.H.T (22 tuổi), trợ giảng tiếng Trung tại một trung tâm ngoại ngữ ở đường số 2, Khu đô thị Vạn Phúc, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đã phải đến bệnh viện khám vì tình trạng đau lưng kéo dài. Ban ngày đứng giảng dạy, tối đến phải thức khuya soạn bài khiến lưng của cô luôn trong trạng thái nhức mỏi.

"Mình từng bị đau nhức tới mức không thể cúi xuống được. Có hôm chỉ cần nghiêng người là cột sống đau nhói, cảm giác lan xuống chân rất khó chịu. Nhiều lần đang làm việc mà đau mỏi không chịu nổi, chỉ muốn nằm xuống nghỉ nhưng cũng không dám vì sợ ảnh hưởng đến công việc", T. chia sẻ.

Còn N.T.L (24 tuổi), nhân viên thư ký văn phòng ở đường Lê Văn Sỹ, P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết lịch làm việc của L. thường kéo dài từ sáng đến tối. Thời gian đầu, L. nghĩ việc mỏi cổ, đau lưng chỉ là cảm giác nhất thời do ngồi nhiều, nhưng càng lâu cảm giác đó ngày càng rõ rệt. "Buổi sáng ngủ dậy cổ cứng đơ, chiều thì ê ẩm vùng lưng dưới, nhiều hôm ngồi khoảng 30 phút là mình đã muốn ngả lưng để nghỉ rồi", L. kể.

Không chỉ với người đi làm, nhiều sinh viên cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. N.T.T.T, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết cô thường xuyên cảm thấy tê tay, đau vai gáy và mỏi lưng dù chỉ mới 19 tuổi. T.T nói: "Chỉ cần ngồi học một chút hoặc đeo ba lô có nhiều sách vở là mình thấy đau nhức khắp người. Có lúc ngồi lâu phải tìm chỗ tựa lưng ngay vì không chịu nổi nữa. Ban đầu, mình cứ nghĩ là chuyện bình thường, nhưng càng ngày càng khó chịu hơn".

T.T cho biết thêm lịch học dày đặc, ngồi sai tư thế, thức khuya khá thường xuyên và ít vận động là nguyên nhân khiến cơ thể nữ sinh ngày càng mệt mỏi. "Do cơ thể luôn mệt mỏi nên mình còn bị rụng tóc, ngủ thì không sâu giấc, sáng dậy rất khó tỉnh táo, có cảm giác như cơ thể đã già đi rất nhiều", cô bày tỏ.

Với T.T.M.T, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vấn đề đáng lo ngại hơn là giấc ngủ. "Ban ngày đi học, lúc nào mình cũng mệt mỏi, chỉ mong được nghỉ ngơi, nhưng đến tối không tài nào ngủ được. Có những đêm mình trằn trọc đến 2, 3 giờ sáng, sáng hôm sau thì đau đầu, chóng mặt không có tâm trạng làm gì hết", M.T cho hay.

Cần điều chỉnh lối sống từ sớm

Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM), những biểu hiện như mất ngủ, rụng tóc, hay quên ở người trẻ không chỉ là phản ứng tức thời của cơ thể mà còn là tín hiệu cảnh báo cho một chuỗi vấn đề sức khỏe đang tích tụ.

"Những vấn đề như mất ngủ do thức khuya làm việc, lệ thuộc cà phê, ngồi lâu một chỗ, ít vận động… không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi nhất thời mà còn thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra sớm. Hệ quả là sức khỏe bị suy giảm, chất lượng cuộc sống giảm sút mà người trẻ lại không mấy để tâm", bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Từ thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Khánh cho biết: "Tại phòng khám thần kinh hiện nay, không ít bạn trẻ đến vì nhiều vấn đề như đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, giảm trí nhớ, cơn hoảng loạn, mất ngủ hoặc ngủ không sâu. Tần suất rơi vào khoảng 30 - 40% số bệnh nhân. Độ tuổi thường gặp dao động từ 18 - 40 tuổi, nhiều nhất ở nhóm bạn trẻ 20 - 30 tuổi. Tuy đây là độ tuổi năng động, ham làm nhưng lại ít chú ý tới sức khỏe hoặc chủ quan vào việc mình còn trẻ".

Theo bác sĩ Khánh, nguyên nhân của những vấn đề trên xuất phát từ lối sống thiếu khoa học, đặc biệt là thiếu ngủ. "Giấc ngủ là một cách để các tế bào thần kinh được hồi phục và tạo mối nối với nhau, giúp chúng ta lưu thông tin tốt hơn. Nhưng các bạn trẻ ngày nay thường lo làm hơn lo ngủ, dẫn đến giảm trí nhớ, mệt mỏi kéo dài, không thể tập trung và điều hành công việc hiệu quả", bác sĩ Khánh nói và cho biết thêm: "Tình trạng mất ngủ kéo dài còn có thể dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ với các biểu hiện như hồi hộp, tim đập nhanh, cảm giác nghẹt thở, choáng váng và có thể gây hoảng sợ. Biểu hiện như thế sẽ khiến chúng ta không thể tập trung làm gì".

Ngoài ra, triệu chứng như đau lưng, đau vai gáy còn là hậu quả của việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức. Hội chứng này là "text neck syndrome" (hội chứng cổ gáy), biểu hiện là tư thế cổ luôn cúi về phía trước làm mỏi cổ vai gáy do tăng trọng lượng lên cổ.

Với hơn 35 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh (HLV sức khỏe, Giám đốc Trung tâm thể thao Trường ĐH Hoa Sen) cho biết việc thường xuyên bỏ qua vận động sẽ dẫn đến các tình trạng đau mỏi. "Một trong những bài tập đơn giản nhất là chạy bộ. Bạn có thể tập bất cứ khi nào, buổi sáng sớm, chiều muộn hay thậm chí sau khi ăn tối khoảng 60 phút", vị tiến sĩ chia sẻ.

Đối với những người bận rộn, tiến sĩ Hiền Thanh gợi ý các bài tập đơn giản có thể thực hiện bất cứ nơi đâu, thậm chí là nơi làm việc, như: nhảy bật chân sang hai bên và giơ hai tay qua đầu 30 lần, hít đất 10 - 20 cái, ngồi dựa tường 1 phút, thực hiện động tác squat hoặc chuỗi động tác burpees (chuỗi bài tập nối tiếp nhau tác động đến các nhóm cơ như cơ mông, đùi, vai)... Theo tiến sĩ Thanh, đây là những động tác vừa dễ thực hiện, vừa giãn cơ, tăng cường thể lực nếu kiên trì mỗi ngày.

Là thành viên Hội Nam y VN, anh Nguyễn Đức Hiếu đã chỉ ra phương pháp tập luyện bằng y học truyền thống: "Các bạn có thể dành 10 - 15 phút tập các bài tập yoga dễ dàng như: tư thế rắn hổ mang, tư thế cây cầu, tư thế em bé, tư thế con mèo... Sau các phiên làm việc ngắn, các bạn có thể thực hiện động tác xoay cổ nhẹ nhàng, chậm rãi theo hình tròn, mỗi bên 5 vòng; hoặc đan 2 tay kéo căng cơ thể theo hướng trước - sau, thẳng - nghiêng trái - phải để giãn cơ. Để đạt hiệu quả tốt nhất có thể xoa bóp nhẹ vùng cổ, lưng để lưu thông khí huyết". Theo anh Hiếu, các động tác này có tác dụng giãn cơ ở cổ, vai và lưng, đồng thời kích thích lưu thông máu đến cột sống, nuôi dưỡng cột sống và đĩa đệm.