Mẹ già bán vàng mừng con trai cai nghiện

Sáng sớm một ngày đầu tháng 4/2025, khi đồng hồ vừa mới điểm 4h, và ngoài trời vẫn tối đen, người phụ nữ đã luống tuổi hàng xóm nhà tôi đã lục cục trở giấc. Bà hì hục nấu nướng để chờ đứa con trai sắp mãn hạn cai nghiện trở về. Con bà đi cai nghiện từ bốn năm trước. "Đánh kẻ chạy đi, ai đời đánh người chạy lại, khi nó đã ăn năn, quyết chí cai nghiện làm lại cuộc đời thì mình cũng phải mừng cho con nó chứ", bà vẫn hay nói vậy.
Chồng bà thì khác, ông vẫn hay càm ràm mỗi khi thấy bà lao tâm khổ tứ vì con. Ông nói: "Thằng út chỉ có lên nóc tủ mới không nghiện nữa,. Chứ cứ cái kiểu giáo dục nuông chiều quá quắt không thể chấp nhận được giống như bà xưa nay, thì có mà chỉ được dăm bữa nửa tháng rồi đâu lại vào đó cho mà xem".
Chuyện làm tiệc, dọn cỗ để đón con trai đi cai nghiện về đã là một đề tài tranh luận gay gắt giữa hai vợ chồng mấy ngày nay. Ông nhất quyết phản đối vì sợ "dân làng nhìn vào lại chê cười cho", vì "con đi cai nghiện chứ đi Tây về đâu mà hoành tráng, khoe mẽ". Vậy nhưng, bà lại luôn bảo vệ quan điểm "phải làm tiệc mừng để con không thấy tủi thân". Vì không muốn to chuyện, cãi vã nên ông đành để vợ muốn làm thế nào thì làm.
Ngay cả chuyện sắp xếp đón thằng út từ trại cai nghiện trên trung tâm huyện, cách nhà chừng hơn chục km, bà cũng lên kế hoạch đầy đủ: thuê một chuyến taxi lên tận nơi đón con. Nhưng nghe vậy, ông gạt phăng đi với vẻ dứt khoát: "Một là bảo nó tự đi xe ôm về, hai là bảo thằng con rể vào mà đón, chứ làm gì mà phải vẽ sự kéo cả nhà đi như thế?".
Thấy chồng nổi nóng, bà đành dằn lòng, bởi bà biết nếu cuộc tranh luận lên tới đỉnh điểm, sẽ đến tai hàng xóm và chẳng hay ho gì. Vì thế bà phải bỏ kế hoạch thuê taxi, chuyển qua phương án bảo con rể đi đón con trai út.
>> Con trai lớp 9 phóng xe máy đâm gãy chân người đi đường
Là một người sống kế bên, tôi tận mắt chứng kiến vợ chồng bà quá khổ vì thằng con trai út dính vào nghiện ngập. Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, hàng tháng bà vẫn phải gom tiền vào trại cai nghiện để thăm nuôi con. Không chỉ bốn năm của đợt cai nghiện lần này, mà trước đó đã hai lần con bà đi cai nghiện, mỗi đợt hai năm. Vậy mà thằng con trai bà vẫn chẳng dứt được cơn nghiện. Lần này, nghe ông bà nói cu cậu quyết tâm lắm, nhưng chẳng biết thế nào? Bởi thực tế có rất ít người nghiện dứt bỏ hoàn toàn được, việc tái nghiện chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Việc con trai của ông bà sa đà vào nghiện hút, tôi thấy công tâm mà nói cũng do chính cách giáo dục của bà mà ra. Bà luôn tỏ ra nuông chiều con quá đà, đến nỗi chồng bà nhiều khi còn không thể chấp nhận được. Ngay từ khi con mới học cấp hai, thường xuyên theo bè bạn bỏ nhà đi bụi qua đêm, vậy mà bà cũng không la mắng hay trách móc. Thậm chí, khi chồng bà cầm roi đánh con, bà cũng sấn sổ vào bênh vực.
Thằng con muốn gì được nấy nên khi nó yêu cầu bà mua quần áo, xe máy... bà cũng đều đáp ứng tuốt. Ngay như việc nó xin tiền hàng ngày để tiêu vặt, hay tiền đóng học phí ở trường bà cũng chẳng bao giờ kiểm duyệt xem con tiêu pha hợp lý, chính đáng không? Chính vì được nuông chiều như vậy nên con bà tiêu tiền bạt mạng, cứ hết là lại về vòi vĩnh mẹ.
Ngay như lúc mới bập bẹ dính vào nghiện hút, hàng xóm thường xuyên rỉ tai cảnh báo nhưng lần nào bà cũng gạt phăng đi: "Tôi đẻ ra nó tôi biết chứ. Nó không đời nào dính vào nghiện hút đâu, kể cả nó có chơi cùng mấy đứa bạn xấu. Các ông các bà cứ yên tâm đi, tôi thấy nó còn chưa hút thuốc lá, huống gì là nghiện được...". Và rồi, tới khi con trai cưng dính sâu vào nghiện ngập, bị công an bắt trong lúc đang tổ chức hút hít thì bà mới ngã ngửa.
Những lần bỏ tiền ra đi tiếp tế thăm nuôi con, dẫu tốn kém, khổ cực là vậy nhưng bà không hề hé răng kêu than nửa lời với xóm giềng. Thậm chí, với chồng, bà cũng không dám kể lể, than vãn này nọ, bởi nếu mở miệng nói là kiểu gì chồng bà cũng sẽ chửi "con hư tại mẹ".
Lần này, khi đứa con trai đi cai nghiện lần ba về, chưa đầy một tuần sau, tôi thấy bà đã đi bán ngay đôi bông tai hai chỉ vàng 9999, cộng thêm tiền bán con bò, được mấy chục triệu đồng để mua cho con chiếc xe máy mới. Thấy bà làm vậy, chồng và các con trai, gái, dâu, rể đều phản đối ra mặt nhưng bà vẫn bảo thủ chiều con. Bà biện hộ: "Nó đã thề rồi, nó quyết tâm lắm, lần này sẽ không tái nghiện nữa đâu...".
Nghe bà nói vậy, mọi người trong nhà đều chán ngán, bởi cách giáo dục theo kiểu nuông chiều như vậy thì con không hư hỏng mới lạ. Lẽ ra thứ bà cần làm là phải tìm cho con một công việc để nó không có thời gian giao du với đám bạn xấu, như thế mới tránh được việc tái nghiện. Nhưng xem, để bà thay đổi được tư tưởng dạy con cũng khó chẳng khác gì bắt con trai bà dứt hẳn khỏi ma túy.
Lê Thị Kết