Mảnh đất 400 triệu thành 1,7 tỷ qua hai lần sang tay

"Tôi hỏi mua một mảnh đất, 'cò' báo giá 1,7 tỷ, tôi trả 1,5 tỷ nhưng không bán. Sau đó tôi tự đi tìm hiểu thì được biết, mảnh đất này đã được bán sang tay qua hai lần (lần một bán 400 triệu, lần hai bán 900 triệu đồng).
Thế mới thấy, việc mua đất qua 'cò' lướt sóng là như thế nào. Từ một mảnh đất, mỗi lần bán là tăng hơn gấp đôi".
Độc giả nguyenvietthang1207 kể câu chuyện như trên, cho rằng việc lướt sóng và sang tay nhiều lần đã đẩy giá đất lên cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp đầu tư thua lỗ vì 'ôm đất' theo sáp nhập tỉnh.
Giữa tháng 3, khi xuất hiện tin đồn huyện Nhơn Trạch sẽ sáp nhập vào TP HCM, chị Hạnh (nhân vật trong bài) đặt cọc mua hai nền đất tại một dự án gần quốc lộ 51, theo lời giới thiệu của người quen, với kỳ vọng giá đất sẽ tăng gấp đôi, nhưng giờ chấp nhận bỏ cọc nếu không tìm được người sang tay.
Nhu cầu giao dịch bất động sản hạ nhiệt khiến nhiều nhà đầu tư mua đất theo cơn sốt sáp nhập tỉnh đang phải bỏ cọc, cắt lỗ để thoát hàng. Một môi giới bất động sản tại Đồng Nai đánh giá "trung bình cứ 10 người lướt sóng, 3-4 người sẽ bỏ cọc trong tháng vừa qua, tương ứng tỷ lệ lên đến 30-40%".
Độc giả Nhà nông 4.0 kể: "Người quen của tôi vừa lỗ hơn 300 triệu vì dồn tiền mua đất theo tin đồn sáp nhập tỉnh. Lúc kẹt vốn, rao bán mãi không ai mua. Thị trường bất động sản giờ không còn dễ kiếm lời như trước, nhất là khi đầu tư thiếu thông tin và chạy theo đám đông.
Mọi người nên rút kinh nghiệm, chỉ chọn những khu vực có quy hoạch rõ ràng, có triển vọng thực sự về hạ tầng, dân cư. Đừng vì vài lời đồn mà đánh đổi cả khoản tích lũy nhiều năm. Đầu tư cần lý trí, không thể dựa vào may rủi. Thời buổi này, an toàn mới là ưu tiên hàng đầu".
Tài khoản vinhhungmach phân tích: "Sáp nhập tỉnh xong, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao thì tôi không biết, nhưng với góc nhìn của một người có nhu cầu ở thực thì nó thế này:
Vũng Tàu sáp nhập vào TP HCM thì di chuyển từ Vũng Tàu vào TP HCM vẫn mất khoảng hai tiếng, không khác gì lúc chưa sáp nhập. Vậy nếu tôi có tiền để mua nhà ở TP HCM thì tôi cứ vậy mua nhà ở đó để hưởng những tiện ích ở đó, chứ tôi ra Vũng Tàu mua làm gì?
Thay đổi cái tên gọi 100% không làm giá trị của một bất động sản tăng lên. Cái thứ tác động tới giá trị của bất động sản đó là chính sách sau thay đổi".
Cùng chung quan điểm, độc giả Mục Đồng cho rằng việc "ôm đất" theo tin đồn là một canh bạc:
"Bài học từ việc 'ôm đất' theo tin đồn sáp nhập tỉnh một lần nữa cho thấy đầu tư bất động sản không thể dựa vào tâm lý đám đông. Thị trường luôn có chu kỳ và rủi ro nếu thiếu hiểu biết, chạy theo sóng ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên tỉnh táo, chỉ xuống tiền với những dự án có pháp lý rõ ràng, được quy hoạch bài bản, gắn với hạ tầng thực tế.
Những khu vực phát triển bền vững đều cần thời gian, chứ không thể ăn xổi. Lướt sóng theo tin đồn không khác gì đánh bạc. Đầu tư thông minh là đầu tư dài hạn, có nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng".
Độc giả hongvanxhh phản ánh thực tế tại khu mình sinh sống: "Khu nhà tôi ở mấy hôm nay thấy môi giới cũng ra vào tấp nập lắm, nhưng đa phần khách tới xem rồi đi luôn.
Hỏi ra thì mới biết do chủ mua ngay thời điểm sốt đất, giờ không chịu bán lỗ. Đất vùng ven ngoại ô mà bán bằng giá đất nội ô, có căn gần hai năm rồi vẫn chưa bán được. Đúng là có chơi có chịu thôi".
Ở một góc độ tổng quan, độc giả hoangduong.bds68 nhận định thị trường đang dần chuyển từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn: "Thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang dần chuyển dịch từ xu hướng đầu cơ ngắn hạn sang đầu tư dài hạn và bền vững. Trong bối cảnh lãi suất biến động, bất động sản nổi lên như một loại tài sản an toàn, mang lại dòng tiền ổn định thông qua cho thuê hoặc khai thác dịch vụ.
Đặc biệt, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến giá trị tích lũy lâu dài của BĐS, xem đây như một tài sản truyền đời, có thể gìn giữ và phát triển cho thế hệ mai sau. Việc lựa chọn những sản phẩm bất động sản có vị trí chiến lược, pháp lý minh bạch và tiềm năng khai thác thực tế đang trở thành tiêu chí then chốt cho chiến lược đầu tư thông minh và bền vững".
Hữu Nghị tổng hợp