Nhảy đến nội dung
 

'Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất Phương Nam'

1.

"Dẫu trải qua thăng trầm giông tố,
qua bao cuộc bể dâu,
mãi dâng cho đời,
bài tình ca đất phương Nam".

Đó là những lời da diết, ruột gan trong bài hát Bài ca đất Phương Nam của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một người hiền, một cây đại thụ âm nhạc Việt Nam, vừa chia tay chúng ta về miền mây trắng.

Quả thật, những ngày qua, trong những chặng xê dịch, giữa những ngổn ngang ý nghĩ và công việc, trái tim tôi vẫn dành một phần lớn cho cuộc chia tay này. Bởi, từ nhiều năm trước, ngẫu duyên, tôi là người thân thiết của cả hai vợ chồng nhạc sĩ - nhà thơ Lư Nhất Vũ, Lê Giang.

Nhớ hồi đó, mỗi khi có chút thời gian rảnh, tôi thường leo lên lầu 6 của chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) để thăm cô chú.

"Nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa/tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm/tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ", đó là mấy câu thơ của Nguyễn Duy, trích trong bài Mười năm bấm đốt ngón tay, trong lần khân nỗi nhớ thì "nhà 190" không thể xóa nhòa. Nhà 190, cũng từng là nơi ở của hầu hết văn nghệ sĩ nổi tiếng miền Nam sau năm 1975, như Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Diệp Minh Tuyền, Anh Đức, Chim Trắng, Lê Văn Thảo…

Lầu 6 là tầng cao nhất của chung cư, bên cạnh căn hộ của vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ là nhà thơ Hoài Anh, cũng là một người hiền. Nhưng trái với phong cách phóng túng của nhà thơ Hoài Anh, vợ chồng cô chú Lê Giang - Lư Nhất Vũ sống rất nề nếp. Tôi vẫn nhớ cái ban công bọc quanh căn hộ được cô chú trồng rất nhiều cây rau và hoa lá. Những cây cải rổ trồng trong những cái chậu to, xanh um, không khác gì như được chăm ở vườn. Mỗi lần tôi đến, nếu gặp bữa cơm trưa, cô chú bao giờ cũng bắt tôi ở lại ăn cơm cùng cho bằng được. Đến khi ra về, lúc nào cũng có quà, khi vài con khô, lúc chục trứng vịt, bó rau đọt choại… Nhà thơ Lê Giang là "chuyên gia" món ăn đồng quê, một người thuộc nằm lòng các ngôi chợ ở Sài Gòn.

Bộ hành cùng ca dao, họ có những chuyến đi điền dã dài ngày, rong ruổi các miền quê, rồi trở về căn hộ chung cư, cặm cụi làm việc. Cứ như thế, bền bỉ cùng thời gian.

Nói về tính cách Nam bộ hay vùng đất phương Nam này, tôi nghĩ, không lấy đâu ra minh họa đáng giá như cặp vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói cá nhân ông vô cùng biết ơn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vì đã sáng tác nên ca khúc Bài ca đất Phương Nam vô cùng tuyệt vời. Sự thành công của bộ phim truyền hình Đất Phương Nam, có lẽ cũng được khơi nguồn và nâng cánh từ bài hát đó.

Cái hay ở đây là mặc dù rất tài năng và vô cùng nổi tiếng, nhưng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vô cùng bình dị, khiêm cung. Tôi và cô Lê Giang rất thường nói chuyện với nhau qua điện thoại, nhưng người cầm máy gọi trước tiên, bao giờ cũng là chú Lư Nhất Vũ, chú kết nối xong rồi mới chuyển cho cô. Chú như trợ lý của cô trong tất cả mọi việc và luôn chu toàn. Bây giờ thì chú ra đi mãi mãi...

2.

Cái nhân nghĩa của người Nam bộ nằm ở hành động chứ không phải lời nói. Nói ít làm nhiều. Biết lo nghĩ và san sẻ với người khác, rộng rãi với người khác hơn là chính bản thân mình.

Những năm tháng cuối đời, vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ muốn thực hiện một cuốn sách nhỏ mang tên Bầy trẻ chung cư, nói về những "đứa trẻ ngày ấy" của những người bạn văn nghệ một thời. Những đứa trẻ ngày ấy, bây giờ có người đã lên chức ông chức bà, thành người nổi tiếng, thành đạt… Nhưng với cô chú, họ mãi là những đứa trẻ, những hiện thân của hồn nhiên, yêu dấu một thời.

Đất phương Nam, là một vùng địa lý cụ thể, nhưng cũng có thể hiểu theo một khái niệm mở. Chúng ta biết vùng đất này có cây tràm, cây đước, nhưng có lẽ còn ít người biết về cây mắm. Cây mắm, về bản chất là cây tạp, không dùng được vào việc gì, thậm chí là chụm củi. Nhưng một rừng mắm vươn ra biển, là để chịu trận, là rạp xuống cho phù sa bồi lên, để cho cây tràm, cây đước xuất hiện. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, bớt phèn mặn, các loại cây khác, như mít, xoài, dừa, vú sữa… mới có thể bén rễ, vươn mình.

Tính chất khẩn hoang và khí chất của người mở đất là ở chỗ đó.

"Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh
Từng chang nước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này
Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất
Cho ta thêm yêu bầy chim sáo sổ lồng"…

(Trích Bài ca đất Phương Nam)

Càng đọc, càng nghe, càng thấm thía từng lời trong Bài ca đất Phương Nam của cố nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Nhưng cái hay, cái lớn lao, không chỉ nằm ở chỗ "dấu chân ngàn năm đi mở đất", mà cái chính là ở chỗ "bầy chim sáo sổ lồng". Một hình ảnh bình dị, rất ca dao, rất Nam bộ, mà vô cùng ấn tượng, sáng tạo. Tinh thần tự do trong "bầy chim sáo sổ lồng" là tự do yêu thương. Đó, có lẽ cũng là tự do chính đáng nhất nơi con người.

Cho nên, những ai mưu cầu một cuộc sống "dễ thở", đều hành phương Nam. Dễ thở ở đây, có thể hiểu là làm giàu, nhưng cũng có thể hiểu là vượt khỏi những định kiến bé mọn. Cho nên, ai đó từng nói mảnh đất phương Nam này dung chứa cả những người thành công và cả những kẻ thất bại, dung chứa những khát vọng lớn, lẫn những phận đời bình thường. Khoảng cách giữa người giàu và nghèo, sang và hèn, học thức và bình dân, nếu có, cũng không đáng kể.

Một ví dụ kinh điển nhất là cố nhà văn Sơn Nam, tác giả của Hương rừng Cà Mau lừng danh, nhưng sống trọn một cuộc đời mộc mạc bên cạnh những người lao động nghèo.

3.

Những ngày này, trong câu chuyện văn nghệ và đời sống, có lẽ nhiều người chúng ta đang nói về phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Thì địa đạo Củ Chi ấy, cũng là một kiểu rất riêng của Sài Gòn - Nam bộ. Nó lừng danh khắp thế giới, nhưng bây giờ mới cắt một lát ra để kể, mà cách kể cũng mộc mạc chứ không cố tình làm cho hoành tráng lên.

Nhưng điều này mới quan trọng, Bùi Thạc Chuyên không phải người miền Nam, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng sau này rất yêu mảnh đất Nam bộ. Cũng chính từ tình yêu đó mà ông làm phim Tro tàn rực rỡ, kịch bản lấy chất liệu từ những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, rồi tiếp theo là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng không phải là người miền Nam, ông là người gốc Huế, nhưng là "cha đẻ" của Đất Phương Nam nổi tiếng mấy thập niên qua.

Những ví dụ như thế còn nhiều nữa. Không phải phát hiện mới mẻ gì, nhưng nó cho thấy sự tiếp dẫn, vun bồi liên tục, để mảnh đất phương Nam này luôn hội tụ những người tài (và người hiền).

"Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam", câu hát ấy như cứ ngân lên mãi, trong tim tôi và có lẽ cũng ngự trị trong trái tim mọi người.