Lý do tên lửa Houthi xuyên thủng được lá chắn phòng thủ Israel, Mỹ

Trang tin tức Ynet của Israel hôm 5/5 dẫn lời các quan chức cấp cao nước này tiết lộ hệ thống phòng không Arrow và Tổ hợp Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã khai hỏa để đối phó tên lửa đạn đạo Houthi trong cuộc tập kích trước đó một ngày, nhưng không thể chặn mục tiêu.
Quả đạn lao xuống và gây ra vụ nổ trong sân bay quốc tế Ben Gurion, cơ sở hàng không chủ chốt và đông đúc nhất của Israel, khiến 8 người phải nhập viện. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không bình luận về thông tin hệ thống Arrow và THAAD trượt mục tiêu, nhưng thừa nhận thất bại trong nỗ lực đánh chặn tên lửa Houthi.
Yahya Saree, phát ngôn viên của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, cho biết họ đã khai hỏa "tên lửa đạn đạo siêu vượt âm", song không nêu cụ thể chủng loại. "Các hệ thống phòng không Mỹ và Israel đã không thể chặn tên lửa nhằm vào sân bay Ben Gurion", ông cho hay.
Những cuộc tấn công từ Yemen phần lớn đều bị Israel ngăn chặn, nhưng nước này cũng từng nhiều lần để lọt máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa Houthi. Đòn tập kích hôm 4/5 là lần đầu tiên lưới phòng không Israel bị xuyên thủng kể từ tháng 3.
"Đây là cuộc tấn công mà đáng lẽ hệ thống phòng không Arrow hoặc THAAD phải đánh chặn được. Bảo vệ sân bay quốc tế Ben Gurion là một trong những ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng không Israel", Brad Bowman, giám đốc tại viện nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Arrow là lá chắn tầm xa nhất trong lưới phòng không đa tầng của Israel, được nước này và Mỹ hợp tác phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran. Biến thể Arrow-3 hiện đại nhất có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km, ngoài tầng khí quyển, trước khi chúng bắt đầu lao xuống mục tiêu và trở nên khó đánh chặn hơn.
Phiên bản Arrow 2 cũ hơn được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo ở pha cuối, khi mục tiêu đã trở lại khí quyển. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 90 km và độ cao tối đa 52 km.
Mỹ cuối năm ngoái triển khai một tổ hợp THAAD cùng kíp vận hành tới Israel để hỗ trợ đồng minh đối phó Houthi. Nó được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa ở giai đoạn cuối. Đạn đánh chặn của tổ hợp THAAD có tầm bắn 200 km và trần bay 150 km.
IDF thông báo nguyên nhân trong sự việc ngày 4/5 là tên lửa phòng không gặp sự cố kỹ thuật. "Điều tra sơ bộ cho thấy không có trục trặc nào đối với quy trình phát hiện, hệ thống đánh chặn hay cơ chế báo động của quân đội", IDF nhấn mạnh.
Dù vậy, Faisal Al-Hajri, nhà phân tích quân sự người Kuwait, cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hạn chế của radar trong mạng lưới phòng không Israel.
Ông nhận định các hệ thống phòng không Israel được thiết kế để ứng phó mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) lớn như máy bay và sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối đầu với tên lửa đạn đạo
"Tên lửa đạn đạo có RCS nhỏ hơn nên tín hiệu phản xạ thường yếu hoặc thậm chí không có. Chúng cũng sở hữu tốc độ rất cao, khiến các tổ hợp tại Israel gặp khó khăn khi đánh chặn, dù nhà sản xuất tuyên bố những hệ thống như Arrow có khả năng bắn hạ loại mục tiêu này", Al-Hajiri nêu quan điểm.
Dù vậy, nhà phân tích người Kuwait khẳng định tên lửa đạn đạo tầm xa của Houthi và Iran thường mang đầu nổ cỡ nhỏ để tăng tầm bay, khiến sức sát thương của chúng giảm đáng kể. "Đòn đánh vào sân bay Ben Gurion gây thiệt hại hạn chế do tên lửa có đầu đạn nhỏ và hệ thống dẫn đường kém chính xác. Nó chủ yếu mang lại tác động về tâm lý hơn là quân sự", Al-Hajri cho hay.
Một số kênh truyền thông có liên hệ với Houthi cho biết tên lửa sử dụng trong vụ tập kích là mẫu mới với khả năng né tránh radar. Tuy nhiên, các quan chức Israel giấu tên cho rằng quả đạn "không có gì đặc biệt" và phòng không nước này từng đánh chặn những tên lửa tương tự trong quá khứ.
Amir Bar Shalo, chuyên gia thuộc đài phát thanh Galatz do Bộ Quốc phòng Israel điều hành, thừa nhận tên lửa Houthi đã thể hiện độ chính xác cao cũng như năng lực xuyên phá lưới phòng không nước này.
"Nó rất chính xác, đặc biệt là khi được khai hỏa từ khoảng cách hơn 2.000 km. Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa này, kiểm tra xem đây là sai sót bản thân hay đang đối mặt với nguy cơ mới", ông cho hay.
Ông Shalo chỉ ra rằng Iran, quốc gia hậu thuẫn cho Houthi, đã phát triển một số tên lửa có khả năng cơ động cao để xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại trong biên chế Israel và Mỹ. Không rõ Tehran đã chuyển giao công nghệ này cho Houthi hay chưa.
Giới chuyên gia cho rằng quân đội Israel sẽ phải phân tích kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vụ đánh chặn thất bại, trong đó có thời điểm mạng lưới radar cảnh giới bắt đầu phát hiện mục tiêu, hệ thống nào nhận diện quả đạn và tên lửa đánh chặn đã đến gần mối đe dọa tới mức nào.
"Có rất nhiều thông số liên quan và cần được phân tích", chuyên gia Shalo cho hay.
Phạm Giang (Theo Ynet, Anadolu, CNN, Reuters)