Nhảy đến nội dung

Luật 'chờ' danh mục

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định miễn học phí cho người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập niên, chính sách này vẫn 'nằm trên giấy'.

Lý do là bởi chưa có danh mục quy định ngành, nghề nào thuộc diện chuyên môn đặc thù nêu trên. Tình trạng "luật chờ danh mục" khiến những học viên đã và đang theo học không được hưởng chế độ mà lẽ ra họ xứng đáng được nhận. Khả năng thu hút đào tạo cho các ngành nghề thuộc diện đặc thù cũng vì thế mà giảm sút.

Tương tự câu chuyện người đang hưởng trợ cấp thương binh nhưng đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động có được nhận cùng lúc 2 chế độ trợ cấp hay không, hiện cả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021 đều quy định là được nhận. Song, Nghị định 131 lại không có quy định về quy trình giải quyết đối với trường hợp trước đây chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để chuyển sang nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng được khôi phục quyền lợi về chế độ mất sức; thành thử gây lúng túng cho nhiều địa phương, không ít trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được giải quyết đầy đủ.

Người có công là đối tượng rất đặc thù, có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn cho đất nước, vì thế họ cần được quan tâm một cách đặc biệt, thấu đáo, kịp thời và nhất quán. Thế nhưng, vấn đề về trợ cấp được cử tri kiến nghị từ kỳ họp thứ 3, bộ ngành quản lý đã nhiều lần trả lời, song đến nay vẫn đang phải chờ sửa đổi nghị định.

Chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải nội dung mới, đã được "chỉ mặt đặt tên" tại nhiều báo cáo, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, nhưng dường như chưa thể giải quyết triệt để. Hạn chế này không chỉ gây thiệt thòi cho người dân, doanh nghiệp, mà còn dẫn tới khoảng trống pháp lý cho công tác thực thi pháp luật, tạo lực cản đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh cả nước đang mạnh mẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới, sự chậm trễ nói chung, chậm trễ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, càng phải sớm được giải quyết triệt để. Bởi lẽ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là bộ khung pháp lý để mọi hoạt động kinh tế - xã hội "bám rễ". Bộ khung ấy có đủ vững chắc, minh bạch, kịp thời thì những "cành", "nhánh" mới đủ cơ sở để vươn mình phát triển. Việc khắc phục tình trạng chậm trễ, lạc hậu là đòi hỏi tất yếu, khẩn trương và quyết liệt hơn bao giờ hết.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, nêu rõ công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, "đứng trên mảnh đất thực tiễn của VN"; phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…

Để đạt được mục tiêu ấy, công tác xây dựng pháp luật cần được đổi mới một cách toàn diện, từ yếu tố con người, quy trình thủ tục, chế độ đãi ngộ cho đến ứng dụng chuyển đổi số; đồng thời phải xây dựng cơ chế "địa chỉ trách nhiệm", nhằm kịp thời xử lý những cá nhân, đơn vị liên quan trong việc chậm trễ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi đã cá thể hóa trách nhiệm, "có thưởng, có phạt", tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn hoặc "luật chờ danh mục" sẽ theo đó mà triệt tiêu.