Lư Đình Tuấn: Không cao nhưng người khác phải ngước nhìn

Lư Đình Tuấn trở thành một trong những biểu tượng của bóng đá nước nhà nhờ những phẩm chất đặc biệt. Sở hữu chiều cao khiêm tốn nhưng ông vẫn khiến "người khác phải ngước nhìn" với sự ngưỡng mộ, khâm phục.
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên ghi bàn ở vòng loại World Cup
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, báo chí khu vực đã có những bài viết ca ngợi Lư Đình Tuấn ngay sau khi cầu thủ VN được bổ sung lên đội tuyển quốc gia và chơi quá hay trong màu áo Cảng Sài Gòn ở Cúp liên cảng. Cầu thủ nhỏ con này được truyền thông Đông Nam Á để mắt bởi sớm khẳng định tài năng và có những đóng góp vô cùng xứng đáng. Lư Đình Tuấn vô cùng khéo léo, động tác trên sân bay bướm, làm chủ tình huống, có kỹ thuật qua người tinh tế.
Khi đó Lư Đình Tuấn không chỉ góp công lớn giúp đội Cảng Sài Gòn vô địch Cúp quốc gia năm 1992, vô địch giải quốc gia năm 1993 - 1994 mà ông còn tạo dấu ấn ở SEA Games 16 tại Philippines và đặc biệt nhất chính là bàn thắng đầu tiên cho bóng đá VN trên đấu trường vòng loại World Cup. Bàn thắng mở tỷ số ở phút 14 trong trận vòng loại thua Singapore 2-3 vào ngày 13.4.1993. Sau đó Fandi Ahmad gỡ hòa 1-1 và đội bóng đảo quốc sư tử vượt lên dẫn 3-1. Cuối trận, tiền đạo Phan Thanh Hùng là người ghi bàn thứ hai cho đội tuyển VN.
Ông Tuấn xúc động khi nói về ký ức: "Dù đã hơn 30 năm nhưng đó là kỷ niệm đẹp tôi không thể nào quên. Sau này qua báo chí tôi mới biết mình trở thành cầu thủ VN đầu tiên có bàn thắng ở sân chơi lớn. Tôi rất hạnh phúc với cột mốc đó. Tôi cũng nhớ bàn thắng mà anh Hà Vương Ngầu Nại ghi vào lưới Indonesia đem về chiến thắng đầu tiên cho đội tuyển VN chỉ vài ngày sau trận gặp Singapore ở vòng loại World Cup. Bàn thắng đó xuất phát từ cú đá phạt bên trái, tôi chuyền vào để anh Nại chọn vị trí tốt ghi bàn".
Thời đó có 2 cầu thủ nhỏ con nhưng chơi rất tinh quái. Nếu phía bắc nổi lên Nguyễn Hồng Sơn thì ở phía nam chính là cựu danh thủ Lư Đình Tuấn. Tuấn "nhím" kể lại: "Trước khi thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn, tôi không được Sở TDTT TP.HCM chọn vào Trường Năng khiếu chỉ vì nhỏ con quá, cao 1,57 m. Nhưng nhờ thừa hưởng một số tố chất của cha mình (ông Lư Hùng Phán, cựu danh thủ của Thể Công - NV) nên khi về đội Cảng Sài Gòn, dưới bàn tay của thầy Phạm Huỳnh Tam Lang, được học hỏi ở các đàn anh, tôi tiến bộ từng ngày và dần có đóng góp tốt. Cũng chỉ vì nhỏ con mà ban đầu tôi không có tên trong danh sách đội tuyển VN tập trung chuẩn bị cho SEA Games 16. Nhưng vì một số lý do khách quan, tôi được gọi tăng cường. Nhờ cơ duyên may mắn này, tôi đã cố gắng hết sức mình và khẳng định được bản thân".
Lư Đình Tuấn - niềm tự hào của bóng đá thành phố
Giải thích về biệt danh Tuấn "nhím", cựu danh thủ sinh năm 1968 cười vui: "Từ nhỏ bạn hàng xóm của cha mẹ tôi, có lẽ vì thấy vẻ mặt tôi hiền hiền nên gọi thân mật như vậy. Không ngờ sau này khi thi đấu, do tôi xoay xở nhanh, lối đá lại gây khó chịu cho đối thủ nên nhiều người lấy chữ "nhím" gắn luôn vào tên cho tôi".
Đàn anh của Lư Đình Tuấn, là cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm nhận xét: "Tuấn có lối đá rất gai góc, ai đụng vào đều bật ra bởi kỹ năng kiểm soát bóng quá hay. Tuấn sẵn sàng "xù" lông nhưng cách đá vẫn rất đúng luật, đẹp mắt, hiệu quả với cái chân trái cực dẻo. Tôi chính là "nạn nhân" của đàn em khi lần đầu Tuấn xuất hiện trên sân Thống Nhất đã "bắt" tôi vào lưới nhặt bóng trong trận Cảng Sài Gòn gặp Hải Quan (khi đó ông Phẩm còn bắt cho Hải Quan - NV). Chính sự gai góc đó đã hình thành nên một Tuấn "nhím" mạnh mẽ, nhỏ mà có võ, lối chơi cống hiến rực lửa. Tuấn "nhím" trở thành niềm tự hào của những người yêu bóng đá TP.HCM".
Còn về chuyện được báo chí quốc tế so sánh với huyền thoại Diego Maradona, Tuấn "nhím" khiêm tốn nói: "Thực lòng tôi không dám nhận. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình giỏi như siêu sao tầm cỡ Maradona. Xem Maradona đá lúc đó ai cũng mê hoặc, tôi cũng vậy nên khi được ví như một ngôi sao quá lớn này, tôi rất e ngại. Tôi nghĩ mình chỉ có vài nét giống cố danh thủ người Argentina thôi như thấp người, chân trái nhanh, tốc độ, chứ so sánh vậy quá khập khiễng vì chẳng ai đạt được đẳng cấp và sự mạnh mẽ như ông".
Bôn ba nghiệp làm thầy
Lư Đình Tuấn phải giã từ sự nghiệp cầu thủ khi chưa đến 30 tuổi do bị chấn thương dai dẳng sau SEA Games 18 năm 1995 tại Chiangmai (Thái Lan). Gác lại nỗi buồn, ông theo học các lớp HLV để có cơ hội tiếp tục cống hiến cho đội Cảng Sài Gòn và sau này là đội Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn rồi CLB TP.HCM. Ở cấp độ đội tuyển, Tuấn "nhím" lại may mắn được làm trợ lý HLV Park Hang-seo, tạo nên nhiều dấu ấn lịch sử bắt đầu từ lứa U.23 á quân châu Á tại Thường Châu (2018) rồi đến ASIAD tại Indonesia, vô địch AFF Cup 2018, SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, vòng chung kết Asian Cup 2019 ở UAE và đỉnh cao chính là lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tuy nhiên, sự nghiệp làm thầy của cựu danh thủ Lư Đình Tuấn ở cấp CLB lại không được "thuận buồm xuôi gió", nếu không muốn nói là vô cùng vất vả, ngoại trừ niềm vui duy nhất là ông dẫn dắt CLB TP.HCM giành quyền lên hạng vào năm 2016. Ông bôn ba hết đội Cần Thơ, Sài Gòn Xuân Thành, Đắk Lăk và sau này cả Becamex Bình Dương.
Ông Tuấn chia sẻ: "Làm HLV rất nhiều áp lực, thắng không nói chi, thua hoặc có một hai trận đội bóng chơi không đúng sức là ngay lập tức người cầm quân bị sức ép rất nặng bủa vây. Với tôi, khi đến đâu tôi cũng làm hết mình, thể hiện hết những gì mình có. Còn nếu cảm thấy không mang lại thành công thì đương nhiên phải ra đi". Có lẽ vì vậy mà sau hơn 10 năm truân chuyên, vất vả với công tác huấn luyện ở các CLB V-League hay hạng nhất, cuối cùng ông Tuấn lại quay về với bóng đá trẻ. Ông chia sẻ: "Trong hơn 3 năm qua, chúng tôi đã cùng nhau từng bước gây dựng bóng đá trẻ TP.HCM. Đội U.21 và U.19 TP.HCM thường xuyên lọt vào VCK quốc gia. Đó là động lực lớn, mang lại niềm hạnh phúc cho sự nghiệp làm thầy của tôi".
Ông Tuấn có người con trai là Lư Đình Đức Anh, thi đấu trong màu áo Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN mùa 1 và 2. Ông thường xuyên đến sân để động viên, cổ vũ con mình và các đồng đội của Đức Anh. Ông nói: "Đức Anh rất đam mê bóng đá, có tố chất, chơi vị trí tiền vệ trung tâm, khả năng quán xuyến và bao quát cũng tốt, nhưng kỳ thực khó đủ tầm để bước lên sân chơi chuyên nghiệp. Nên tôi cũng hướng con trai theo đá ở các giải hạng nhì là vừa sức. Đức Anh đang chơi cho đội Vĩnh Long". (còn tiếp)