Nhảy đến nội dung
 

Long trọng mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận

Tối 19.4, tại TP.Phan Thiết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận, tiến đến kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất.

Đến dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận (19.4.1975 - 19.4.2025) có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội; Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư; Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận. Ngoài ra, còn có quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh; Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành TƯ.

Về phía Bình Thuận có ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các phó bí thư Đặng Hồng Sỹ - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Đỗ Hữu Huy - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVT, các thế hệ lãnh đạo tỉnh và đông đảo bà con nhân dân địa phương tham dự.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đã ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Bình Thuận trong những năm chiến tranh ác liệt. Theo đó, từ tháng 12.1974, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương trên chiến trường Bình Thuận, quân và dân Bình Thuận liên tục tấn công địch, tạo thế mạnh để phối hợp quân chủ lực giành thắng lợi quyết định.

Tập trung sắp xếp bộ máy chính quyền 2 cấp tinh gọn

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình biểu dương những thành quả mà quân và dân Bình Thuận đạt được. Phó thủ tướng cho rằng Bình Thuận là mảnh đất đầy nắng gió, nhưng nặng nghĩa tình, nơi đây có trường Dục Thanh mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng dạy học trước khi rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước.

Phó thủ tướng cho rằng, chiến thắng của quân và dân Bình Thuận ngày 19.4.1975 đã góp phần làm nên đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.

Sau giải phóng, Bình Thuận từ một tỉnh đồng khô cỏ cháy, thiếu nước, khô hạn quanh năm, đến nay đã có thành quả rất to lớn về thủy lợi, nhiều sản phẩm từ nông nghiệp giúp người dân làm giàu.

Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cái nắng cái gió đã trở thành thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp năng lượng.

Để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, Phó thủ tướng yêu cầu Bình Thuận, trước mắt phải thực hiện tốt chủ trương của T.Ư về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025 - 2030 đạt hai con số. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên… để phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị. Tiếp tục nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, miền núi, hải đảo; thực hiện tốt các hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa", an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Chiến thắng 19.4 góp phần quan trọng vào đại thắng Mùa xuân 1975

Ngày 17.4.1975, các lực lượng vũ trang của ta đã phối hợp quân chủ lực lần lượt giải phóng các huyện phía bắc của tỉnh. Ngày 18.4.1975, quân ta tấn công vào TX.Phan Thiết, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí đầu hàng. Lúc 9 giờ sáng ngày 19.4.1975, quân ta tiến vào tiếp quản TX.Phan Thiết, đánh dấu thời điểm lịch sử trọng đại, tỉnh Bình Thuận được giải phóng.

Chiến thắng ngày 19.4.1975 là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, táo bạo, sự nổi dậy mạnh mẽ, rộng khắp của nhân dân Bình Thuận. Chiến thắng này đã góp phần quan trọng, cùng cả nước làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương. Từ một tỉnh ven biển Nam Trung bộ kém phát triển, nền kinh tế chưa có gì, nay trở thành tỉnh phát triển khá so với cả nước.

Kể từ khi tái lập tỉnh (1992), kinh tế tỉnh Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá; năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 7,25%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 128.000 tỉ đồng; xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỉ đồng, vượt hơn 8,3% dự toán.

Cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng

Cơ cấu ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển dần sang công nghệ hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Kinh tế biển tiếp tục giữ vai trò nòng cốt; đặc biệt là ngành du lịch. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2025, thu hút vốn đầu tư phát triển ước đạt 225.137,5 tỉ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư. Hiện, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua hầu hết chiều dài của tỉnh. Sân bay lưỡng dụng Phan Thiết đang được đầu tư và sắp hoàn thiện. Khu du lịch Quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến nổi tiếng trong nước và quốc tế, mỗi năm Bình Thuận thu hút gần 10 triệu lượt khách.

Bình Thuận đang tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; quyết liệt tháo gỡ các "điểm nghẽn" nhất là về quản trị xã hội, hành chính công, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phục người dân và doanh nghiệp.

Đi đôi với phát triển kinh tế, các hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", chăm lo cho người có công được chú trọng. Trong những năm qua, hàng nghìn căn nhà tình nghĩa được sửa chữa và xây dựng; toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành dứt điểm việc xây dựng, sửa chữa nhà cho người có công trước 30.4.2025.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà tri ân công lao to lớn của các thế hệ cán bộ chiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ và người dân đã hy sinh xương máu, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương để Bình Thuận có ngày hôm nay.