Lỗi sai trong quá trình ôn luyện đáng giá như thế nào?

Lỗi sai trong quá trình ôn luyện theo thủ khoa không những không đáng sợ mà sẽ rất đáng giá nếu biết mình sai như thế nào và cách khắc phục những lỗi đó.
Sai càng nhiều sẽ học được càng nhiều
Trong video Thủ khoa tiếp sức gen Z mùa thi hôm nay (10.5), Lê Văn Hữu, thủ khoa khối B tỉnh Quảng Nam - một trong những thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2022, nhấn mạnh về tầm quan trọng của những lỗi sai trong quá trình ôn luyện.
Theo Hữu, việc mình làm sai sẽ tạo ấn tượng cho bản thân về vấn đề đó. Sau đó tìm hiểu tại sao sai và cách để làm đúng, tìm thêm các bài tập tương tự; từ đó sẽ ghi nhớ hơn trong lần gặp sau và sẽ khó sai lại. "Vậy nên trong quá trình học, thầy cô hay nói các em càng sai sẽ học được càng nhiều", Hữu nói.
Hữu cho rằng hiện nay là giai đoạn mà thí sinh 2k7 (những bạn sinh năm 2007 - PV) đang phải thực chiến với những đề thi thử rất nhiều. Một phần là để củng cố kiến thức đã học trong những tháng vừa qua, cũng như làm quen với sự căng thẳng khi làm bài trong phòng thi.
"Các bạn có thể học trực tiếp với thầy cô ở trường hoặc học online trên mạng, thầy cô sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều nguồn đề. Chưa nói còn có các đề thi thử, tham khảo của các tỉnh cũng rất nhiều mà chúng ta hoàn toàn có thể sưu tầm trên mạng. Nhưng các bạn có nghĩ là giải hết đống đề đó sẽ được điểm cao? Theo quan điểm của mình thì không. Bởi vì chúng ta học lý thuyết từ nhiều tháng trước nhưng giờ không có thời gian ôn lại mà chỉ có việc giải đề thôi thì sẽ rất khó để đạt điểm cao một cách trọn vẹn", Hữu nói và cho rằng: "Với quá nhiều đề như vậy, các bạn có nghĩ rằng mình sẽ làm hết và nhớ hết tất cả những lỗi sai? Mình nghĩ là không".
Theo Hữu, mỗi khối thi 3 môn, nếu một môn giải 5 - 6 đề/ngày, đồng nghĩa với việc một ngày chúng ta phải giải gần 20 đề, như thế rất khó nhớ được những lỗi sai trong các đề đó. "Chính vì thế, lúc ôn thi mình đã chia ra mỗi ngày một môn chỉ giải tối đa 2 đề, không nên quá nhiều. Việc giải nhiều đề sẽ dẫn đến bão hòa kiến thức và các bạn sẽ không có thời gian để ôn lại những gì mình sai, cũng như xem lại lý thuyết", Hữu nói.
Chàng thủ khoa phân tích: "Việc lặp lại liên tục về kiến thức sẽ tạo ấn tượng cho não, từ đó các bạn mới có thể ghi nhớ các lỗi sai của mình. Giả sử như khi thi thử bị sai một câu, nhưng những đề sau không gặp lại câu đó, mà cũng không xem lại thì khó thể nào nhớ được. Nên việc ôn tập và lặp lại kiến thức rất quan trọng và hữu ích".
Không những thế, Hữu còn cho biết khi vào phòng thi thường sẽ rất run, nên những gì không khắc ghi vào trong bản năng và không để lại ấn tượng thì khó có thể nhớ được khi ở trong phòng thi với trạng thái lo lắng như vậy.
Mặc dù những lỗi sai trong quá trình ôn luyện sẽ rất đáng giá, nhưng Hữu cũng muốn lưu ý với thí sinh trong trường hợp nếu sai nhiều lần đều cùng 1 vấn đề thì cần phải xem lại lý do, có phải là do cách học hay luyện tập của mình chưa ổn hay không. Còn nếu sai nhưng là do nhiều vấn đề khác, hãy thử tìm cách hệ thống lại kiến thức để tránh nhầm lẫn với nhau. Cũng có thể xem xét thêm các yếu tố khách quan và chủ quan khác như tinh thần có mệt mỏi hay không, mất tập trung bởi xung quanh, mệt mỏi thiếu năng lượng...