Lời giải cho sầu riêng Việt Nam

Ngành sầu riêng đang đối mặt với không ít khó khăn mang tính hệ thống. Trong đó, điểm yếu cốt lõi là thiếu một quy trình canh tác đồng bộ và đạt chuẩn.

Tại hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 24/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã thẳng thắn thừa nhận ngành sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn mang tính hệ thống.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân cùng vào cuộc, dồn toàn lực để gỡ khó.
Thiếu quy trình canh tác đồng bộ và đạt chuẩn
Theo Bộ trưởng Duy, diện tích trồng sầu riêng và sản lượng tại Việt Nam đang tăng trưởng quá nhanh, vượt khả năng kiểm soát. Thực tế, nhiều vùng trồng mở rộng tự phát, gây mất cân đối cung - cầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm và khả năng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị còn hoạt động rời rạc, khiến việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, năng lực kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành.
Đáng chú ý, hành vi gian lận mã số vùng trồng, gây tổn hại đến uy tín của ngành hàng trên thị trường quốc tế vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, khung pháp lý và chế tài lại bất cập và chưa đủ sức răn đe.
Mặt khác, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào sản phẩm tươi, khiến ngành hàng bị động trong điều tiết mùa vụ và thị trường. Quan trọng hơn, thị trường xuất khẩu chưa được đa dạng hóa khi Trung Quốc gần như là điểm đến duy nhất.
Sau cùng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường cho rằng điểm yếu cốt lõi khiến sầu riêng Việt Nam khó đáp ứng toàn diện các yêu cầu trong Nghị định thư và các tiêu chuẩn quốc tế là do thiếu một quy trình canh tác đồng bộ và đạt chuẩn, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển.
“Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Văn Khiêm, nông dân trồng sầu riêng ở Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết vụ mùa vừa qua, sầu riêng đạt cả sản lượng lẫn chất lượng.
"Tuy nhiên, thương lái thu mua với giá thấp chỉ bằng gần một nửa so với năm ngoái, chưa kể gom xô cả trái đẹp, trái xấu với lý do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Khiêm bổ sung.
Ngoài ra, ông Khiêm còn cho hay một số thương lái chuyên cắt sầu riêng tại địa phương phải tạm bỏ vườn, chỉ đi thu mua sầu riêng của người dân vì giá rớt sâu.
Doanh nghiệp "vừa đi vừa dò đường", nông dân chưa được hướng dẫn
Tại hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, bà Nguyễn Thái Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm cho biết doanh nghiệp gặp khó trong quá trình xuất khẩu sầu riêng do chưa có thông tư hướng dẫn chính thức về quy trình xử lý sau thu hoạch.
Theo bà Thanh, nhiều doanh nghiệp đang phải "vừa làm vừa dò đường" để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ nước nhập khẩu.
Ông Vũ Phi Hổ, đại diện Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) giới thiệu Sarita là thương hiệu xuất khẩu 100% sầu riêng Việt Nam và đang cạnh tranh với Thái Lan, Australia, mới đây là Đức trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ông Hổ chia sẻ hành trình xuất khẩu không hề dễ dàng.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam không còn dễ dàng như trước. Ảnh: Sarita. |
Cụ thể, chi phí kiểm nghiệm ngày càng "đội" lên hàng chục tỷ đồng; nhiều cơ sở đóng gói chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động; các vùng còn canh tác manh mún, thiếu thống nhất kỹ thuật khiến chất lượng trái không đồng đều, khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Bà Kim Truyền, nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang cũng chỉ biết chịu trận khi thương lái ép giá do không thể xuất hàng sang Trung Quốc.
"Tôi nghĩ địa phương cần hướng dẫn cho chúng tôi cách thức cụ thể, quy chuẩn thống nhất để loại bỏ chất vàng O, cadimi mà Trung Quốc cấm trong trái sầu riêng. Vì hiện tại, tôi chưa nghe hướng dẫn gì để sầu riêng đạt chất lượng của quốc gia này", bà Truyền cho hay.
Toàn hệ thống vào cuộc, dồn toàn lực để gỡ khó
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay; đồng thời kịp phục vụ xuất khẩu vụ thu hoạch tháng 8-9.
"Minh bạch, trách nhiệm và bền vững không chỉ là thông điệp mà phải trở thành hành động cụ thể trong từng khâu của chuỗi giá trị", Bộ trưởng chỉ rõ.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề ra những giải pháp cần thực hiện ngay để khôi phục xuất khẩu, phát triển bền vững sản xuất sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Báo NN&MT. |
Theo đó, Bộ trưởng Duy đề nghị các địa phương rà soát kỹ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và hạ tầng để xác định các khu vực phù hợp phát triển sầu riêng; không xâm lấn đất rừng để mở rộng tự phát.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết chỉ 20-25% tổng diện tích sầu riêng cả nước được cấp mã số vùng trồng nhưng con số còn rất thấp. Do đó, tỷ lệ này cần nâng lên 70-80% để gia tăng giá trị xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Song song đó, Bộ sẽ ban hành quy trình giám sát, xây dựng hệ thống kiểm soát tại từng vùng trồng và yêu cầu địa phương siết chặt quản lý mã số, xử lý gian lận, đồng thời hỗ trợ phát triển kho lạnh, logistics và chuỗi liên kết.
Đặc biệt, các địa phương cần cấp thiết tuyên truyền cho hợp tác xã và nông dân duy trì chất lượng vùng trồng đã được cấp phép đạt chuẩn, trong bối cảnh Trung Quốc vừa cấp phép hơn 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, ông đề nghị có thể học hỏi mô hình truy xuất nguồn gốc vải thiều Bắc Giang cũng như kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chuỗi giám sát.
Đối với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ trưởng yều cầu sớm chuẩn hóa hướng dẫn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; ban hành đồng bộ quy trình canh tác bền vững, quy chuẩn kỹ thuật ngành hàng. Trong đó, ưu tiên số một là chuẩn hóa sản phẩm để đồng đều chất lượng sầu riêng trên toàn quốc.
Trong khi đó, nhiệm vụ trọng tâm của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường là rút ngắn thời gian công nhận các phòng thử nghiệm mới; không dồn kiểm tra vào khâu cuối trước khi thông quan.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng kêu gọi người dân không sử dụng hóa chất cấm, không thu mua hoặc sản xuất từ những vùng trồng không đạt chuẩn; khuyến khích phát triển sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa chủng loại để gia tăng giá trị.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Ban Mê Green Farm đề xuất lập trung tâm kiểm dịch thực vật tại các vùng nguyên liệu lớn như Đắk Lắk, nhằm giảm chi phí vận chuyển, rủi ro hư hỏng sản phẩm.
Bên cạnh đó, đại diện Sarita cho rằng ngành sầu riêng cần đặt người tiêu dùng trong và ngoài nước lên hàng đầu thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu.
Ông Hổ nhấn mạnh chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, sầu riêng Việt Nam mới giữ được vị thế trên thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nhà sáng lập Công ty CP Nafoods Group khẳng định sẽ tiên phong trong việc gia tăng giá trị sầu riêng bằng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng chế biến làm kem, làm thực phẩm... với 5.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu.
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 71 ngày 23/5 của Thủ tướng chỉ đạo 4 Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài Chính và Công an đồng loạt triển khai thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.