Loại tiền tệ bị 'giam lỏng'

Cuốn sách phân tích sức mạnh của tiền tệ có thể can thiệp vào các công việc chung của thế giới ra sao. Những trung tâm kinh tế như EU, Mỹ… đang đưa ra các chính sách gì để xử lý khủng hoảng và đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư. Mỗi tập đề cập đến một khía cạnh cho thấy cái nhìn toàn cảnh của tác giả về dòng chảy tài chính hiện đại.
Bản thân vàng mang trong mình rất nhiều yếu tố bất ổn. Việc Chính phủ của một số quốc gia lớn vẫn luôn tìm cách lung lạc giá vàng chính là một trong những yếu tố ấy. Nếu như quan tâm đến chính sách của Chính phủ đối với vàng trong suốt 20 năm qua, bạn sẽ nhận ra rằng khi giá vàng cao đến mức 800 đô-la/ounce (năm 1980), chẳng có Chính phủ nào bán vàng ra. Việc bán vàng ra khi đó có thể nói là rất hợp thời, lại còn có thể ổn định giá vàng. Nhưng Chính phủ lại bán vàng ra khi giá vàng xuống thấp nhất (năm 1999). Chính phủ Anh đã làm như vậy, và đó chính là một trong những yếu tố khiến cho giá vàng trở nên bất ổn.
Robert A. Mundell
Yếu tố làm bất ổn giá vàng mà Robert A. Mundell nhắc đến năm 1999 chính là một bộ phận quan trọng của màn kịch tài chính tinh vi do các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế dàn dựng từ năm 1980. Nhưng việc thao túng giá vàng lại là một kế hoạch tài tình được dàn xếp nghiêm ngặt với thủ pháp cao siêu khiến người ta khó phát hiện ra. Việc khống chế thành công giá vàng trong khoảng thời gian hơn 20 năm vẫn là chuyện thật khó tin trong lịch sử nhân loại.
![]() |
Vàng luôn là chủ đề tiền tệ hấp dẫn ở mọi thời đại. Ảnh: FXLeaders. |
Điều khó hiểu nhất chính là tuyên bố của Ngân hàng Anh ngày 7 tháng 5 năm 1999. Ngân hàng này đột ngột thông báo sẽ bán đứt một nửa số vàng dự trữ (chừng 415 tấn). Đây là lần bán tháo vàng với quy mô lớn nhất của Ngân hàng Anh kể từ khi cuộc chiến tranh giữa Đế quốc Anh và Napoleon nổ ra. Thông tin động trời này khiến cho giá vàng quốc tế rớt xuống ngưỡng 280 đô-la/ounce.
Mọi người không khỏi hồ nghi: Rốt cuộc Ngân hàng Anh muốn gì? Đầu tư ư? Không đúng, bởi nếu đầu tư thì họ phải bán ra với giá 800 đô-la/ounce từ năm 1980 rồi thu gom trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm với mức lãi suất lên đến 13% vào thời đó để kiếm lãi. Nhưng Ngân hàng Anh lại phá vỡ thế cờ khi bán tháo vàng ra với giá thấp nhất trong lịch sử là 280 đô-la/ounce năm 1999, rồi đi đầu tư trái phiếu Mỹ với lãi suất khi đó chưa đến 5%. Việc Mundell không thể hiểu nguyên nhân vì sao cũng không phải là chuyện lạ.
Phải chăng ngân hàng quốc tế không biết gì về kinh doanh? Đương nhiên là không phải. Trong suốt gần 300 năm kể từ khi thành lập năm 1694, Ngân hàng Anh đã xưng hùng xưng bá trên thị trường tài chính, trải qua mọi biến cố thăng trầm, thậm chí, đối với họ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chỉ đáng là một cậu học trò nhỏ. Vì thế, nếu nói rằng Ngân hàng Anh ngờ nghệch trong kinh doanh thì thật là nực cười.
Vậy tại sao Ngân hàng Anh lại hành xử một cách ngược đời như vậy? Chỉ có một lí do duy nhất: Nỗi lo sợ. Họ không sợ giá vàng tiếp tục giảm xuống khiến cho nguồn dự trữ vàng mất hiệu lực mà lại sợ giá vàng tiếp tục tăng! Bởi trong sổ sách giấy tờ của ngân hàng thì vàng đã không cánh mà bay. Số vàng cần thu vào ghi chép trong sổ sách có thể mãi mãi không thu hồi lại được.
Ferdinand Lips - một nhà tài phiệt ngân hàng Thụy Sĩ - từng nói rằng: “Nếu người dân Anh biết ngân hàng trung ương của họ xử trí một cách điên khùng và khinh suất như thế nào với nguồn tài sản chân chính (vàng) mà họ cố công tích lũy trong suốt mấy trăm năm thì dưới đoạn đầu đài sẽ có khối hộp sọ nằm lổn nhổn.”
Nói một cách chính xác hơn, nếu người dân thế giới biết các ngân hàng trung ương đã thao túng giá vàng như thế nào thì tội lỗi lớn nhất trong lịch sử loài người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Vậy thì số vàng của Ngân hàng Anh bốc hơi đi đâu? Hóa ra, số vàng này bị các nhà ngân hàng Anh mang đi cho đồng nghiệp buôn vàng nén (Bullion Brokers) thuê mướn mất rồi.
Ngọn ngành của sự việc là thế này: Đầu những năm 90, trục London-Phố Wall đã hạ gục nền kinh tế Nhật và khống chế tiến trình thống nhất tiền tệ châu Âu. Tuy tỏ ra đắc chí nhưng các đại gia ngân hàng vẫn không thể nào lơ là mất cảnh giác với vàng.
Nếu một khi vàng trở nên có giá thì mọi hệ thống tiền tệ pháp định sẽ phải thuần phục nó. Tuy không còn được coi là tiền tệ thế giới, nhưng trước sau vàng vẫn là trở ngại lớn nhất với các nhà ngân hàng trong việc tước đoạt tài sản của người dân thông qua lạm phát tiền tệ. Tuy bị “giam lỏng” nhưng vàng vẫn là một thứ tài sản quý với sức hấp dẫn mãnh liệt. Chỉ cần có chút biến động trong xã hội là người ta lập tức đổ xô đi mua vàng. Nếu muốn loại bỏ vàng thì các nhà ngân hàng quốc tế phải tìm cách “giam lỏng” vàng vĩnh viễn.
Muốn thế, các nhà ngân hàng cần phải làm sao để cả thế giới thấy rằng vàng là một thứ tài sản vô dụng và không có khả năng bảo vệ tiền bạc của người dân, đồng thời cũng không thể trở thành một chỉ tiêu ổn định, thậm chí không có sức thu hút sự quan tâm của các nhà đầu cơ.
Vì vậy, giá trị của vàng cần phải được khống chế nghiêm ngặt.