Nhảy đến nội dung

Loại thủy sản Việt Nam được Trung Quốc, EU, Nhật ‘mua mạnh’: Chứa chất quý chống tiểu đường, ung thư

Đây là loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Loại thủy sản Việt Nam được Trung Quốc, EU 'mua mạnh'

Ngày 6/5 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 850 triệu USD, tăng 10%, báo Tiền Phong đưa tin.

Trong các loại thủy sản xuất khẩu, tôm giữ vai trò chủ lực. Chỉ riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330 triệu USD, tăng 15%. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm thu về 1,27 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu.

Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, tôm còn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa một chất quý giúp chống lại nhiều bệnh như tiểu đường, ung thư…

Lợi ích sức khỏe của tôm

Theo tạp chí Health của Mỹ, tôm là một loại động vật giáp xác phổ biến và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nhờ hàm lượng calo thấp và giàu protein. Một số bằng chứng cho thấy tôm có những lợi ích sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hỗ trợ hệ miễn dịch.

Tôm cũng là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất, bao gồm selen và vitamin B12. Selen giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương tế bào, trong khi vitamin B12 hỗ trợ hình thành hồng cầu.

1. Có thể giảm nguy cơ tử vong

Việc chọn nguồn protein từ tôm thay vì một số loại thịt động vật khác có thể giúp giảm nguy cơ tử vong. Nghiên cứu cho thấy ăn thịt đã qua chế biến hoặc thịt đỏ không qua chế biến làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, trong khi ăn tôm cá thì không. Ngược lại, cứ mỗi khẩu phần tôm cá tăng thêm 100g mỗi ngày thì nguy cơ tử vong lại giảm xuống.

10 con tôm cỡ vừa đã được nấu chín cung cấp gần 9 gram protein. Protein cung cấp các axit amin – các khối xây dựng của sự sống. Mỗi tế bào trong cơ thể đều chứa protein, giúp tạo tế bào mới và sửa chữa những tế bào bị tổn thương.

2. Chứa chất chống oxy hóa

Tôm cũng là nguồn cung cấp astaxanthin – một chất chống oxy hóa. Loại sắc tố màu cam-đỏ này chủ yếu được tạo ra bởi vi tảo mà tôm ăn. Astaxanthin được ví như chất quý vì nó có thể được sử dụng để điều trị các bệnh như tiểu đường, ung thư, tim mạch và béo phì.

Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại chỉ mới xem xét tác dụng của astaxanthin ở dạng thực phẩm bổ sung – vốn có hàm lượng cao hơn rất nhiều so với tôm. Cần có thêm nghiên cứu để xác định liệu việc ăn tôm có thể mang lại những tác dụng sức khỏe tương tự hay không.

3. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tôm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim – miễn là thực phẩm này không được chiên. Một nghiên cứu phát hiện rằng những người ăn tôm có tỷ lệ huyết áp cao và cholesterol thấp hơn. Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ thấp hơn.

Trước đây, các khuyến nghị dinh dưỡng để giảm bệnh tim thường khuyên hạn chế cholesterol trong thực phẩm như hải sản có vỏ. Tuy nhiên, các hướng dẫn gần đây đã loại bỏ khuyến cáo này vì các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa cholesterol trong thực phẩm và nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngoài ra, tôm còn cung cấp axit béo omega-3 tốt cho tim, đồng thời lại ít chất béo bão hòa.

4. Cung cấp vi chất dinh dưỡng

Tôm là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng vi lượng, ngoài i-ốt còn có selen và vitamin B12. Cơ thể bạn chỉ cần một lượng nhỏ selen – một nguyên tố giúp sản sinh các enzym chống oxy hóa, ngăn ngừa tổn thương tế bào. Vitamin B12 giúp duy trì hoạt động của hệ thần kinh và tạo hồng cầu.

5. Hỗ trợ hệ miễn dịch

Tôm là nguồn cung cấp kẽm – một khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình lành vết thương. Tôm cũng cung cấp vitamin E – một chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và virus. Vitamin E còn giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và có thể giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim và đột quỵ.

(Theo Health, Tiền Phong)