Nhảy đến nội dung
 

Loại củ là "món tủ" của dân nhậu mỗi khi hè về, vừa ngon mát lại giúp giảm cân siêu tốc

Củ đậu có giá rẻ bèo, chỉ vài nghìn là mua được cả cân lại có lợi đủ đường cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn củ đậu bao nhiêu một ngày là đủ, ăn bao nhiêu củ đậu để giảm cân hay ai không nên ăn củ đậu thì không phải tất cả chúng ta đều biết.

Củ đậu đặc trưng với vị ngọt, thanh mát, rất dễ ăn để giải ngấy, giải khát cơ thể, đặc biệt là trong mùa hè nhờ thành phần chứa tới gần 90% là nước. Ngoài ra, củ đậu cũng rất giàu các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất xơ, vitamin C, folate, sắt, magie, kali, mangan, vitamin E, thiamine, riboflavin, vitamin B6, axit pantotheic, canxi, phốt pho, kẽm, đồng,... nhưng lại có lượng calo thấp.

Tác dụng của củ đậu đối với sức khỏe

Nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào mà ăn củ đậu có thể đem đến nhiều lợi ích sức khỏe, có thể kể đến như:

1. Giàu chất chống oxy hóa

Củ đậu được biết đến với chất chống oxy hóa, bao gồm flavonoid cùng vitamin E, selen và beta-carotene.

Chế độ ăn giàu thực phẩm chứa các hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa đã được chứng minh là có lợi cho hệ miễn dịch, chống lại quá trình tổn thương do stress oxy hóa gây ra, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh tim, ung thư, béo phì, đái tháo đường,....

2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Bệnh tim được biết là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trưởng thành trên thế giới. Thêm củ đậu giàu chất chống oxy hóa và chống viêm vào chế độ ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm viêm, trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa chứng xơ cứng động mạch.

Thêm vào đó, củ đậu cũng giàu chất xơ, giúp giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim như cholesterol xấu, huyết áp tâm trương cũng như rủi ro hình thành cục máu đông nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

3. Ăn củ đậu giúp thúc đẩy sức khỏe đường ruột

Củ đậu giàu chất xơ hòa tan (inulin) đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và sức khỏe đường ruột nói chung đồng thời cải thiện tần suất và độ đặc của phân, cải thiện chức năng hàng rào ruột, ngăn ngừa các chất có hại được hấp thụ từ đường tiêu hóa vào máu.

Inulin cũng là một prebiotic, vì vậy nó nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn, bao gồm cả các vi khuẩn có lợi như Bifidobacterium và Lactobacillus. Inulin cũng có thể bảo vệ ruột kết của bạn thông qua tác dụng chống oxy hóa.

4. Tăng cường miễn dịch

Củ đậu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng nhờ đặc tính chống oxy hóa, kháng virus và kháng nấm tự nhiên. Ngoài ra, củ đậu còn giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa hỗ trợ quá trình phục hồi bệnh tật và chức năng miễn dịch. Ngược lại, thiếu vitamin C làm suy giảm khả năng miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Củ đậu cũng giàu chất xơ. Theo Health, trong một nghiên cứu, cứ mỗi 10 gam chất xơ trong chế độ ăn uống tăng thêm mỗi ngày, nguy cơ tử vong do các bệnh truyền nhiễm và hô hấp giảm 34% và 18% ở nam giới và 39% và 34% ở nữ giới.

5. Kiểm soát bệnh tiểu đường

Nếu đang băn khoăn bị tiểu đường nên ăn gì thì củ đậu là một gợi ý lành mạnh với chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp, phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.

Thêm vào đó, một đánh giá kết luận rằng việc bổ sung inulin cải thiện đáng kể khả năng điều hòa lượng đường trong máu ở những người mắc tiền tiểu đường và tiểu đường type 2. Inulin được biết đến với tác dụng cải thiện độ nhạy insulin hoặc khả năng insulin vận chuyển glucose (đường) vào tế bào của bạn.

6. Ăn củ đậu có giảm cân không?

Ăn củ đậu có giảm cân không? Câu trả lời là có. Ăn củ đậu giúp chống lại bệnh béo phì thông qua tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất của nó. Chất xơ hòa tan dồi dào trong củ đậu giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn, cụ thể là tăng cảm giác no, từ đó giảm tình trạng ăn vặt đồng thời giúp giữ lượng đường trong máu ổn định hơn.

Hơn nữa, củ đậu là thực phẩm ít calo, ít carbohydrate thích hợp để thêm vào chế độ ăn giảm cân, cần kiểm soát chặt chẽ lượng calo nạp vào cơ thể. Ăn những thực phẩm như củ đậu giúp tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn có hại, điều này đã được chứng minh là có tác dụng chống béo phì.

Tuy nhiên, khi giảm cân bằng cách ăn củ đậu, bạn cần kết hợp với các thực phẩm khác, tránh kiêng khem quá mức hay nghĩ càng ăn nhiều củ đậu càng giảm cân nhanh. Chỉ nên ăn củ đậu với lượng vừa phải, không nên ăn củ đậu cả ngày thay cơm và liên tục quá 4 bữa một tuần.

Củ đậu kỵ với gì? Ai không nên ăn củ đậu?

Mặc dù ăn củ đậu đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng khi ăn, cần tránh kết hợp củ đậu với các thực phẩm giàu tinh bột hoặc quá ngọt, dễ khiến đường huyết tăng quá mức, bất lợi với người cần ổn định lượng đường trong máu như bệnh nhân tiểu đường.

Người đang bị bệnh tiêu hóa như đau dạ dày cũng không nên ăn nhiều củ đậu vì tiêu thụ nhiều nước và chất xơ hòa tan từ củ đậu có thể kích thích các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng và tăng nặng các triệu chứng tiêu hóa khác. Trẻ em dưới 3 tuổi không nên ăn củ đậu vì hệ tiêu hóa còn non yếu.

Ngộ độc hạt và lá của cây củ đậu cũng là một vấn đề cần lưu ý. Lá và hạt của cây củ đậu chứa tephrosin và rotenone có thể gây ngộ độc. Nếu ăn phải sẽ có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn từ 5 - 40 phút, gồm: Đau bụng dữ dội, co giật, hạ đường huyết, nôn mửa liên tục, mê man bất tỉnh, rối loạn nhịp tim và suy hô hấp dẫn đến tử vong. Nếu phát hiện bị ngộ độc lá, hạt cây thủy đậu thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được hỗ trợ hô hấp, sục rửa dạ dày và điều trị triệu chứng ngộ độc nhanh chóng. Nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng.

Nguồn: Health, Healthline