Nhảy đến nội dung
 

Lộ diện ‘tay buôn tiền mát tay' mang tên Thế giới Di động

Cuối quý 1-2025, Thế giới Di động ghi nhận hơn gần 7.000 tỉ đồng các khoản cho vay ngắn hạn cùng hơn 34.600 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu và các khoản đầu tư hưởng lãi suất khác.

Là "ông lớn" trong lĩnh vực bán lẻ, song Công ty CP đầu tư Thế giới Di động (MWG) đang nổi lên với nghề "tay trái" tài chính kiếm hàng trăm tỉ đồng.

Doanh thu tài chính của Thế giới Di động ngày càng lớn

Trong quý 1-2025, MWG ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 693 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn con số trên đến từ lãi tiền gửi, cho và trái phiếu với 636 tỉ đồng, còn lại số thu từ chiết khấu thanh toán gần 56 tỉ đồng…

Theo báo cáo tài chính quý 1 năm nay, MWG báo lợi nhuận trước thuế 1.934 tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ tài chính đã đóng góp tương đương 36% tổng lợi nhuận.

Tỉ lệ đóng góp từ việc gửi tiền ngân hàng, mang cho vay, chiết khấu thanh toán… ngày càng lớn trong kết quả kinh doanh của MWG.

Năm ngoái, khi thị trường bán lẻ phục hồi nhưng còn khá ì ạch, doanh thu tài chính của MWG vẫn tăng trưởng tốt, đạt 2.376 tỉ đồng. Mức này tương đương gần 50% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của doanh nghiệp.

Thậm chí như 2023, nguồn thu từ hoạt động tài chính còn là "cứu cánh" cho kết quả kinh doanh của MWG, tránh phải ghi nhận một năm lỗ.

Trong khi năm 2020, số lãi từ tiền gửi, cho vay, đầu tư của MWG chỉ tương đương khoảng 15% tổng lợi nhuận trước thuế.

Nhìn vào dữ liệu có thể thấy, "nghề tay trái" cho vay được manh nha từ cuối năm 2022 nhưng phải đến 2024, ông lớn bán lẻ này mới dồn lực và gặt hái kết quả rõ nét hơn với hoạt động này.

Nguồn thu từ hoạt động tài chính ngày càng đóng góp lên trong cơ cấu lợi nhuận của MWG - Dữ liệu: BCTC hợp nhất

Thế giới Di động 'buôn tiền' thế nào?

Cuối quý 1-2025, báo cáo tài chính MWG ghi nhận gần 42.000 tỉ đồng các khoản cho vay ngắn hạn, đầu tư trái phiếu, gửi ngân hàng và các khoản đầu tư hưởng lãi suất khác. Đây là mức cao kỉ lục từ trước tới nay của MWG.

Theo thuyết minh, MWG có 7.000 tỉ đồng các khoản cho vay ngắn hạn đối với các công ty đối tác, kỳ hạn dưới 12 tháng, hưởng lãi suất.

Ngoài ra MWG có hơn 22.300 tỉ đồng gửi ngân hàng cùng gần 12.300 tỉ đồng đầu tư vào trái phiếu và các khoản đầu tư có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 1 năm hưởng lãi suất.

Dữ liệu cũng thể hiện, hoạt động cho vay các công ty khác bắt đầu thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2020 với con số 80 tỉ đồng. Nhưng tăng mạnh hai năm gần đây và đạt mức cao nhất gần 7.000 tỉ cuối quý 1 năm nay.

Dữ liệu: BCTC

Cuối năm ngoái VPBank và Thế giới Di động đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền tại 3.000 cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh như tại một chi nhánh của VPBank.

Thế giới Di động cũng đã hợp tác với Viettel để cung cấp dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tại các cửa hàng của họ.

Đi cùng với việc hợp tác cung cấp dịch vụ tài chính, báo cáo tài chính Thế giới Di động đều đặn ghi nhận các khoản "chiết khấu thanh toán" vài trăm tỉ đồng. Như năm ngoái, khoản chiết khấu thanh toán được MWG ghi nhận là 220 tỉ đồng, còn năm 2023 là 335 tỉ đồng.

Ngược lại MWG cũng ghi nhận khoản vay ngắn hạn 26.222 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý 1-2025, giảm gần 4% so với đầu năm.

Năm 2024, MWG đã tăng mạnh khoản vay ngắn hạn, trong đó có hơn 20.800 tỉ đồng được doanh nghiệp vay tín chấp ngân hàng. Khoản vay này sẽ được đáo hạn tháng 4 năm nay.