Liệt sĩ Nguyễn Phạm Thành Nhân và đứa con chưa kịp gọi tiếng 'ba'

Phát hiện nhóm thanh niên chạy xe thành đoàn, rú ga với tốc độ cao, tổ CSGT - trật tự ra hiệu lệnh dừng xe. Một thanh niên điều khiển xe lao thẳng vào trung úy Nguyễn Phạm Thành Nhân khiến anh hy sinh, để lại người vợ đang mang thai tháng thứ tư.
Những ngày giữa tháng 7.2025, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Phạm Thành Nhân ở xã Bà Điểm, TP.HCM (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn cũ). Gần 5 năm trôi qua từ ngày trung úy Nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ, nỗi đau mất mát vẫn chưa nguôi.
Suốt cuộc trò chuyện, chị Phạm Thị Phương Loan (31 tuổi, vợ liệt sĩ Nhân) liên tục bật khóc khi nhắc đến người chồng yêu thương và những kế hoạch còn dang dở. Trong căn nhà ở vùng ngoại thành, ảnh cưới của 2 vợ chồng và ảnh chụp cả gia đình vẫn được treo đầy đủ với nụ cười hạnh phúc trên từng gương mặt; giờ đây tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Chị Loan kể khi chị mang thai tháng thứ tư, khoảng 1 giờ 30 sáng 31.12.2019, thấy số điện thoại chồng gọi về nhưng không phải giọng anh, mà là đồng nghiệp báo anh vừa gặp nạn khi tham gia phòng chống đua xe cùng tổ 363 Công an H.Hóc Môn. Nghe như sét đánh ngang tai, chị Loan báo với cha mẹ chồng rồi đứng ngồi không yên cả đêm. Vì đang mang thai nên gia đình khuyên chị ở nhà chờ, để người nhà vào bệnh viện.
Mọi người luôn báo với chị Loan rằng tình hình anh Nhân có tiến triển tốt nhưng đến chiều 2.1.2020, người nhà báo về anh không qua khỏi. Những ngày đám tang chồng, chị Loan bần thần, không dám tin điều đang xảy ra. Chị kể trong nước mắt: "Quen nhau 4 năm, chúng tôi làm đám cưới. Lúc biết tin tôi mang thai, anh giành làm hết việc nhà, cưng chiều hết mực, còn hẹn đưa đi khám thai cuối tuần nhưng chưa kịp đón con chào đời thì anh đã ra đi".
ĐẦU BẠC TIỄN ĐẦU XANH
Liệt sĩ Nguyễn Phạm Thành Nhân là con trai giữa trong gia đình có 3 anh chị em. Bà Phạm Thị Duyên (67 tuổi, mẹ liệt sĩ Nhân) cho biết thấy con hiền lành, điềm đạm nên định hướng cho con vào lực lượng vũ trang, dốc sức đóng góp cho xã hội.
Suốt 2 ngày con trai nằm viện, bà Duyên túc trực ngoài phòng chăm sóc đặc biệt chờ tin tức. Khi bác sĩ đẩy con đi chụp CT, bà đi theo, thủ thỉ vào tai: "Con ơi ráng khỏe để gặp mặt con của con nha. Con ráng đi, dù giá nào mẹ cũng lo cho con. Miễn là con sống, chuyện tương lai mẹ không quan tâm". Nói rồi bà xoa mặt con động viên. Thấy thân thể con vẫn lành lặn, bà có thêm chút hy vọng, nhưng rồi chỉ vài tiếng sau, bác sĩ báo tin dữ.
Ngày đám tang trung úy Nhân, đồng đội, bạn bè, giáo viên tới đông đủ, ai cũng thương tiếc người chiến sĩ công an hiền lành, luôn quan tâm mọi người xung quanh. Nhìn con dâu đang mang thai ngất lên ngất xuống, trái tim bà Duyên một lần nữa như bị bóp nghẹt.
Ngồi lật mở quyển album lưu giữ hình ảnh từ khi liệt sĩ Nhân vừa chào đời đến khi trưởng thành, bà Duyên xúc động: "Nó cao 1,7 m, nặng 62 kg. Nuôi được đứa con như vậy, tôi rất mừng, rất tự hào. Tối đó, nó còn về ăn cơm xong chào ba mẹ, nói phải đi trực ca đêm. Vậy mà nó đi luôn, đầu bạc tiễn đầu xanh. Nhìn con sắp mất mà không làm gì để cứu được, không có từ nào diễn tả được đau khổ này".
Ngày ra tòa, bà Duyên uất nghẹn nói trong nước mắt giá như gia đình bên bị cáo quản lý con sát sao hơn, không để con tụ tập đua xe, so kè tốc độ thì nhà bà đã không mất đi người con hiền lành. Dù vậy, khi thấy cha mẹ bị cáo tới lui nhiều lần năn nỉ xin bà ký giấy giảm án, gia đình bà cũng mủi lòng vì muốn gia đình họ có thêm hy vọng.
NỖI ĐAU NGƯỜI Ở LẠI
Cúng xong 100 ngày cho chồng, chị Loan về nhà ngoại ở Đắk Lắk trong những tháng cuối của thai kỳ, chuẩn bị sinh con. Ngày con trai chào đời, chị đặt tên con là Nguyễn Cao Trí. Cậu bé có gương mặt rất giống ba, phần nào giúp chị và cả gia đình nội ngoại xoa dịu nỗi đau. Hai bên động viên nhau cố gắng chăm lo cho Trí để bù đắp những đau thương mất mát. Nhưng không ngờ, biến cố một lần nữa ập đến…
Năm 3 tuổi, bác sĩ phát hiện Trí bị ung thư máu, phải nhập viện hóa trị. Những ngày ròng rã trong viện, 2 mẹ con đều sốc, bé liên tục gào khóc vì đau, có giai đoạn bác sĩ tiên lượng xấu do phản ứng với thuốc. Mỗi lần như vậy, chị Loan chỉ biết ôm con dỗ dành. Nuốt nước mắt tủi cực vào trong, chị động viên bản thân phải vượt qua vì con. Những lúc quá mệt mỏi, chị lại tự an ủi, vỗ về chính mình rằng chồng vẫn luôn dõi theo 2 mẹ con.
Con đau bệnh, chị Loan không thể đi làm, mọi chi phí chỉ xoay quanh khoảng 10 triệu đồng tiền kinh doanh phòng trọ hằng tháng. Trong khi đó, mỗi đợt điều trị cho bé, viện phí dao động từ 100 - 200 triệu đồng, 2 bên nội ngoại cùng góp vào lo liệu. Đến nay, bé Trí vẫn đang phải tiếp tục điều trị thời gian dài với khoản kinh phí lớn phía trước.
Từ ngày trung úy Nguyễn Phạm Thành Nhân hy sinh, đồng đội cũ, Ban giám đốc Công an TP.HCM cũng liên tục thăm hỏi, động viên gia đình, hỗ trợ phần nào chi phí điều trị cho con trai anh. Liệt sĩ Nhân đã ngã xuống giữa đêm tối để giữ gìn bình yên, còn con trai Cao Trí đang lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của mọi người, như một mầm sống tiếp nối lý tưởng của người đã khuất.
Chúng tôi hỏi: "Giờ đây ước mơ của chị là gì?". Chị Loan bần thần nhìn ra khoảng vườn thênh thang trước mặt, lặng một hồi rồi nức nở òa khóc: "Tôi chỉ mong con khỏe mạnh, không còn mong muốn gì hơn. Mọi vất vả, khó khăn khác, tôi gánh được hết".
5 năm trôi qua, di ảnh trung úy Nhân nằm lặng lẽ trên bàn thờ, giữa những tấm ảnh cưới còn nguyên nụ cười hạnh phúc. Mỗi tối, khi con trai ngủ thiếp đi, chị Loan lại khẽ đặt tay lên ngực con, rồi nhìn lên bức ảnh có ánh mắt người chồng. Anh chưa từng được nghe con gọi một tiếng "ba", chưa từng được thấy con lớn lên, chưa từng biết rằng con mang đôi mắt giống mình, đôi tai cũng giống, và cả nụ cười nữa...
Đại úy Nguyễn Xuân Nhiệm, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên Công an H.Hóc Môn (cũ), cho biết trung úy Nguyễn Phạm Thành Nhân là một cán bộ năng nổ nhiệt tình, gương mẫu, tận tụy với công việc và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Khi anh hy sinh, biết hoàn cảnh gia đình, tập thể Đội CSGT - trật tự và Công an H.Hóc Môn (cũ) đã đóng góp hỗ trợ con trai liệt sĩ Nhân điều trị bệnh ung thư máu.
(còn tiếp)