'Liên tục chỉ 1 nhà thầu trúng, có móc nối chủ đầu tư nhà thầu không?'

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chỉ rõ những bất cập trong đấu thầu, khi nhiều nơi đấu thầu, nhưng chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu liên tục, dù giá chỉ thấp hơn khoảng 1% so với giá chào thầu.
Chiều 23.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo 1 luật, sửa 7 luật liên quan trong lĩnh vực đầu tư. Góp ý cho luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế để lựa chọn áp dụng các hình thức chọn nhà thầu là phù hợp.
Lý do theo ông, thời gian qua việc đấu thầu đã bộc lộ "nhiều bất cập, nhiều hiện tượng không hay". Nhiều dự án đấu thầu mất 3 - 4 tháng mới xong.
"Tôi biết một số nơi đấu thầu hoài nhưng chỉ 1 nhà thầu trúng liên tục. Giá trúng thầu chỉ thấp hơn so với giá nhà đầu tư đưa ra có 1%. Đấu thầu liên tục như thế thì nhà nước chả được lợi gì, mất thời gian, tiền của", ông Hòa nêu và đặt câu hỏi liệu có trường hợp móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong thời gian qua?
Có nguy cơ loại nhà thầu theo ý chí chủ đầu tư?
Góp ý về việc lựa chọn nhà thầu, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), dự thảo bổ sung thêm hình thức "chỉ định thầu" trong lựa chọn nhà thầu, hay "lựa chọn trong trường hợp đặc biệt. Trong khi vẫn giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống như đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh.
"Điều này khiến hệ thống lựa chọn nhà thầu trở nên quá phức tạp và dễ bị lạm dụng. Việc xác định ranh giới “thế nào là đặc biệt”, “thế nào là chỉ định hợp lý” chưa rõ ràng, có thể tạo ra khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa chỉ định thầu", ông Thông nói.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Hữu Thông đồng thuận việc bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến theo hướng chủ đầu tư được quyền loại bỏ nhà thầu hoặc yêu cầu giải trình, làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá dự thầu.
Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng rủi ro cao về chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, làm tăng chi phí thực hiện gói thầu trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu để lựa chọn nhà thầu khác là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, điều này chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề năng lực thi công kém; đồng thời, có thể tạo ra sự giảm cạnh tranh giá, tạo cơ chế giữ giá cao. Bên cạnh đó, quy định trên cho phép loại bỏ nhà thầu có giá chào “thấp bất thường” nhưng lại không quy định thế nào là "thấp bất thường", phải chờ Chính phủ hướng dẫn.
"Việc không quy định cụ thể như vậy làm tăng rủi ro tùy tiện trong đánh giá, có thể bị lợi dụng để loại bỏ nhà thầu không phù hợp ý chí chủ quan của chủ đầu tư", ông Thông nêu.
Đại biểu đoàn Bình Thuận cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề năng lực thi công kém như thực tiễn diễn ra nhiều trong thời gian qua, cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng thay giá sàn bằng quy định kiểm soát đầu vào, giám sát thi công, yêu cầu thời gian bảo hành dài hơn; đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm và chế độ hậu kiểm chặt chẽ.