Liên tiếp các vụ hành hung nhân viên y tế: Cách nào ngăn nạn bạo hành 'blouse trắng'?

Chỉ trong thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc hành hung nhân viên y tế gây phẫn nộ. Điểm chung của những vụ việc đều xảy ra ở phòng cấp cứu - nơi bác sĩ chiến đấu để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế phải được an toàn để bệnh viện và bệnh nhân được an toàn, vì vậy cần một "liều thuốc" có thể trị tình trạng bạo lực trong bệnh viện.
Những chuyện không hiếm
Phần lớn những vụ việc hành hung nhân viên y tế xảy ra ở phòng cấp cứu - nơi bệnh nhân cần được tiếp cận điều trị sớm nhất, quyết định sống còn của người bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ có hơn 23 năm gắn bó tại khoa cấp cứu một bệnh viện tại TP.HCM cho biết trong suốt quá trình làm nghề nhân viên cấp cứu bị hành hung là chuyện không hề hiếm gặp.
Nhẹ thì quát tháo, nạt nộ, đe dọa, thậm chí trước đây có những trường hợp cầm dao dọa chém, đòi giết, rượt đuổi bác sĩ chạy xung quanh bệnh viện.
Có y bác sĩ sau những lần bị hành hung như vậy rất hoảng loạn, nhất là với những đồng nghiệp nữ, đến mức có người xin chuyển khoa, thậm chí là xin nghỉ. Đó cũng là lý do phần nhiều bệnh viện hiện nay tuyển dụng bác sĩ cấp cứu rất khó khăn.
"Cách đây vài năm, tôi từng chứng kiến một nam đồng nghiệp khi đang sơ cấp cứu cho bệnh nhân thì bất ngờ bị người nhà cầm dao chém thẳng vào mặt một đường, sau đó vị bác sĩ này đã xin nghỉ việc. Tâm lý chung của mọi người khi vào cấp cứu là do quá nôn nóng nên cứ đòi hỏi các bác sĩ phải thăm khám luôn cho mình, cho người nhà của mình. Do vậy nhiều người dễ dẫn đến nổi nóng với các y bác sĩ", bác sĩ này nói.
Tại phòng cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trên mỗi giường bệnh đều treo bảng màu với đầy đủ thông tin và cấp độ tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân. Bảng màu đỏ là bệnh nhân nguy kịch có suy hô hấp, ngừng thở… phải cấp cứu ngay lập tức. Còn biển màu cam là mức độ nhẹ hơn và cuối cùng là biển màu vàng - mức độ nhẹ nhất.
Bác sĩ Phạm Ngọc Trưởng, khoa cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ mỗi ngày các y bác sĩ tiếp nhận hàng trăm ca bệnh nặng, nhiều trường hợp nguy kịch. Ngoài chuyên môn, họ còn phải đối mặt với áp lực từ sự căng thẳng của người nhà bệnh nhân.
"Có rất nhiều người nhà bệnh nhân chờ đợi lâu dẫn đến mất bình tĩnh. Người nhà thấy phòng bệnh đông nên cũng xót ruột, không biết bao giờ mới đến lượt nên không ít trường hợp xảy ra cãi cọ. Lúc này, nhân viên y tế cũng cố gắng giải thích cho người nhà hiểu các bác sĩ phải phân loại bệnh nhân để cấp cứu phù hợp", bác sĩ Trưởng nói.
Không để có khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Chính, đang công tác tại một bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội, bày tỏ việc bị người nhà xúc phạm khi trực tại phòng cấp cứu là chuyện không hiếm.
Theo bác sĩ Chính, phòng cấp cứu thường đông bệnh nhân và "ai cũng cần điều trị gấp", trong khi số lượng nhân viên y tế thì có hạn.
"Khi đang cấp cứu cho trường hợp nguy kịch hơn thì đôi khi người nhà không hiểu và nghĩ rằng người thân của mình không được cấp cứu", bác sĩ Chính nói và cũng thừa nhận đôi khi nhân viên y tế chưa khéo léo giải thích dẫn đến xảy ra xích mích không đáng có.
Sau những vụ việc vừa qua, nhiều người cho rằng mỗi mâu thuẫn, xung đột của người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế không thể xuất phát từ một phía. Không ít người cũng bức xúc khi gặp cảnh nhân viên y tế thờ ơ, gọi không đáp, hỏi không thưa.
Về chuyện này, bác sĩ Chính cho rằng có thể có nhiều lý do. Một phần là do áp lực quá tải ở một số bệnh viện khiến nhân viên mệt mỏi. Phần khác là do thiếu đào tạo về kỹ năng giao tiếp và tinh thần cấp cứu khẩn cấp.
"Tôi nghĩ rằng ngoài kỹ năng chuyên môn, nhân viên y tế cần được huấn luyện về thái độ và phản xạ trong các tình huống sinh tử. Bệnh viện cần thường xuyên tổ chức tập huấn, giám sát trực tiếp thái độ phục vụ, nhất là ở khu cấp cứu. Cũng cần cơ chế phản hồi minh bạch để người dân có thể phản ánh và bệnh viện xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm", bác sĩ Chính nói.
Trong khi đó, bác sĩ Khâu Minh Tuấn, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay tại khoa cấp cứu bệnh viện đã áp dụng hệ thống sàng lọc, phân cấp mức độ ưu tiên xử trí.
Về nguyên tắc cấp cứu là ưu tiên cho các ca nặng, nguy kịch như chấn thương nặng cần khởi động quy trình báo động đỏ, đột quỵ ưu tiên giờ vàng, nhồi máu cơ tim…
Chính việc sàng lọc, đánh giá, phân cấp sẽ giúp xử trí kịp thời cho người bệnh cũng như sẽ tránh ùn ứ gây quá tải tại khoa cấp cứu.
Theo bác sĩ Tuấn, khi đưa người bệnh vào cấp cứu, lúc này tâm lý của người nhà rất sốt ruột, người thân của họ phải là ưu tiên hơn cả.
Tuy nhiên về phía nhân viên y tế sẽ nhìn tình trạng bệnh nặng của người bệnh mới cần ưu tiên chứ không theo thứ tự trước sau.
Điều này cũng gây ra mâu thuẫn cho hai bên dẫn đến người nhà dễ nổi nóng, bức xúc. Chính lúc này "blouse trắng" phải là những người giải thích cho người nhà với góc độ chia sẻ, thông cảm nhưng phải đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng.
Sàng lọc cấp cứu, hạn chế người vào khoa
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận có 8 - 40% nhân viên y tế từng bị bạo lực thể chất. Sau đại dịch COVID-19, số vụ bạo hành y tế cũng tăng hơn.
Nguyên nhân được cho là vì các bệnh viện công lập không đủ nhân viên y tế nên không đủ thời gian giao tiếp và tương tác với người bệnh. Điều này khiến bệnh nhân và người nhà không hài lòng, kém tin tưởng.
Do đó TP.HCM yêu cầu các bệnh viện ngay tại khoa cấp cứu cần tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu, thay vào đó cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.
Đồng thời tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định "1 người bệnh, 1 thân nhân", bố trí tủ để vật dụng có khóa cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh.
Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm kết nối ngay với công an phường nơi bệnh viện trú đóng để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối hoặc đe dọa nhân viên y tế.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp bảo vệ nhân viên y tế, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các bệnh viện tìm ra giải pháp để tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu nhằm giúp họ an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết.
Khuyến khích phòng xã hội của bệnh viện cử nhân viên xã hội đến khoa cấp cứu để tham gia hoạt động này. Điều này nhằm đảm bảo nguyên tắc thêm giải pháp an toàn cho nhân viên nhưng không làm tăng thêm khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh.