Lật tàu Vịnh Xanh 58, thấy gì về an toàn đường thủy nội địa?

Sau vụ lật cano tại biển Cửa Đại khiến 17 hành khách thiệt mạng năm 2022, an toàn đường thủy nội địa đã được siết lại. Tuy nhiên, với vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, nhiều câu hỏi cũ lại được đặt ra.
Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, tàu Vịnh Xanh 58 do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh (cũ) cấp ngày 21.5.2015, mang số hiệu QN-7105.
Chủ phương tiện là ông Đoàn Văn Trình, trú tại P.Hà An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh (cũ). Tàu đóng năm 2015 tại Quảng Yên với công dụng tàu du lịch. Chiều dài lớn nhất là 24,04 m, chiều rộng lớn nhất 6 m, chiều chìm là 1,2 m.
Tàu vẫn trong hạn đăng kiểm khi xuất bến (ngày cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa gần nhất là 10.1.2025, hết hạn vào 4.2.2026).
Theo thông tin sơ bộ ban đầu, tàu bị lật vào thời điểm giông gió to xuất hiện bất ngờ trên biển. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố khác có thể tác động thêm hoặc gây lật tàu như an toàn kỹ thuật, khả năng chống chọi gió lớn của tàu du lịch, điều khiển tàu...
Nguyên nhân chính thức sẽ tiếp tục được làm rõ trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại công tác cập nhật, dự báo thời tiết trước khi cấp phép cho tàu xuất bến.
Trước đó, Thông tư 15/2012 của Bộ GTVT quy định, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Chủ khai thác bến khách ngang sông, dọc sông chỉ được phép cho phương tiện rời bến khi thuyền viên, người lái phương tiện và hành khách đã có đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi ở vị trí sẵn sàng. Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.
Thuyền viên, người lái phương tiện cũng chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.
Dù quy định đã có, song trên thực tế một số tàu du lịch hành khách sau khi rời bến đều không mặc áo phao để quay phim, chụp ảnh khi ngắm cảnh.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Xây dựng), cho biết áo phao cứu sinh giúp người dân nổi trên mặt nước. Trong trường hợp tàu bị lật không thoát ra ngoài được, việc mặc áo phao cũng sẽ giúp cho hành khách nổi trên mặt nước. Do đó quy định yêu cầu bắt buộc tàu thuyền phải trang bị áo phao, phao cứu sinh...
Đáng chú ý, chiều tối qua cũng xảy ra vụ chìm tàu tại Hà Tĩnh. Khoảng 19 giờ 20 phút ngày 19.7, thời tiết khu vực biển xã Thiên Cầm bất ngờ xuất hiện giông lốc kèm mưa lớn, khiến nhiều tàu thuyền không kịp về nơi trú ẩn.
Thời điểm đó, tàu du lịch Nguyễn Ngọc do ông Nguyễn Trọng Hoàng làm chủ đang trên đường vào bờ không may bị sóng đánh chìm tại khu vực đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 0,5 hải lý.
Trên tàu có 4 thuyền viên và 30 du khách đang tham gia tour câu mực. Song khi tàu chìm, tất cả hành khách và thuyền viên đều mặc áo phao và nhảy xuống biển chờ cứu hộ. Thuyền viên và hành khách đều đã được đưa vào bờ an toàn.
Trước Vịnh Xanh 58, đã có nhiều vụ lật tàu, chìm tàu nghiêm trọng xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng. Tháng 2.2022, tàu Phương Đông số hiệu QNa-1152 vận chuyển khách du lịch từ bến Cù Lao Chàm về bến Cửa Đại thì bị lật chìm tại vùng biển Cửa Đại (Hội An). Tàu được Ban quản lý Bến thủy nội địa Cù Lao Chàm kiểm tra đảm bảo các điều kiện an toàn nên đã cấp phép xuất bến về lại Cửa Đại.
Thời điểm lật, tàu có 39 người gồm 36 hành khách và 3 thuyền viên. Kết luận của cơ quan điều tra sau đó xác định khi đến đoạn nằm trong phạm vi luồng cong với bán kính cong 800 m, lái tàu điều khiển tàu quay vòng với tốc độ 20 km/giờ - 25 km/giờ mà không giảm tốc độ đến mức an toàn theo quy định là dưới 9 km/giờ dẫn đến tàu bị lật úp, chìm gây tai nạn với hậu quả 17 hành khách trên tàu tử vong.
Sau vụ chìm tàu Phương Đông, Bộ GTVT đã đề nghị kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.