Nhảy đến nội dung
 

Ứng phó bão số 3 (Wipha), làm sao tránh vùng có sạt lở, lũ quét?

Nhóm nhà khoa học về địa chất ở Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng giúp người dân phòng chống sạt lở, lũ quét, ứng phó bão số 3 (Wipha).

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ đêm 21.7 đến sáng 22.7, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ sẽ bước vào giai đoạn mưa lớn nhất trong bão số 3 (bão Wipha). 

Theo các nhà khoa học, nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao ở khu vực miền núi phía bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ ngày đến 23.7. Một số khu vực, nguy cơ này còn tiếp tục trong các ngày 24 - 25.7.

Những dấu hiệu nguy hiểm

Theo nhóm nhà khoa học nghiên cứu địa kỹ thuật, địa tai biến và phát triển xanh (R5G) của một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội, từ thực tiễn bão Yagi năm 2024, sạt lở ở Trà Leng 2020, lũ quét Mù Cang Chải 2017…, có một số kinh nghiệm quan trọng ứng phó sạt lở, lũ quét quy mô lớn mà người dân cũng như chính quyền địa phương cần nhận biết.

GS Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm nhà khoa học trên, nói: "Trước hết, chúng ta cần thường xuyên rà soát phát hiện dấu hiệu phát sinh khối trượt lớn như khe nứt kéo dài trên mái dốc. Một số khe nứt sẽ không dẫn ngay đến sạt lở, nhưng một khi đã xuất hiện khe nứt, mái dốc sẽ không thể tự "liền lại" được nữa và nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn.

Khi mưa lớn luôn luôn cảnh giác ở khu vực dân cư, đoạn đường giao cắt với suối có hướng từ phía trên sườn dốc xuống, kể cả khi suối không có dòng chảy thường xuyên.

Thường xuyên rà soát dọc các suối nhánh, dòng chảy xem có hiện tượng sạt lở hay cây gãy đổ gây nghẽn dòng chảy không, nếu có cần khai thông dòng chảy hoặc di chuyển người dân ở nơi trũng thấp vùng hạ lưu đến nơi an toàn. Lưu ý, trên một dòng chảy có thể có một hay nhiều điểm nghẽn. Chú ý các dòng suối có nuôi cá nước lạnh".

Sạt lở, lũ quét xảy ra ngay cả khi mưa đã ngớt

Cũng theo GS Đức, các đợt mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng nhất thường kéo dài nhiều ngày và có 2 - 3 khoảng thời gian khác nhau lượng mưa vượt ngưỡng nguy hiểm. Ngưỡng nguy hiểm này có ghi nhớ tóm tắt trong mấy biểu hiện: 150 - 180 mm/ngày, 60 mm/giờ, 90 - 100 mm/3 giờ, 110 - 120 mm/6 giờ.

Ngưỡng nguy hiểm tuy khác nhau theo từng khu vực do đặc điểm địa hình, địa chất, nhưng các thông số trên mang tính đại diện cao nhất trong rất nhiều kết quả được ghi nhận của nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.

Người dân cần lưu ý, bán kính vùng theo dõi mưa nên để 3.000 m trở lên ở vùng đồi, núi và khoảng 1.500 - 2000 m ở vùng đô thị. Khi hai hay nhiều tiêu chí trên đáp ứng đồng thời, mức nguy hiểm còn cao hơn nữa. Ví dụ mưa 3 giờ đạt tới 110 mm, mưa 6 giờ tới hơn 180 mm...

Khối trượt lớn và lũ quét do nghẽn dòng có thể xảy ra ngay cả khi mưa giảm hẳn. Do vậy, người dân chỉ quay trở lại các vùng bị cảnh báo có nguy cơ khi không còn cảnh báo nguy cơ thiên tai.

Ứng dụng giúp người dân phòng tránh vùng sạt lở

GS Đức cho biết, trong những năm qua, ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu về các yếu tố gây nguy cơ sạt lở, lũ quét. 

Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các trang cổng thông tin trượt lở, trang dữ liệu về lượng mưa thực đo tại 2.538 trạm trên toàn quốc.

Các sản phẩm ứng dụng này nhóm đã chuyển giao cho một số địa phương, được các địa phương đánh giá tốt.

Các địa phương được dự báo trong 5 ngày tới đến cấp huyện, độ phân giải 12x12 km (cập nhật liên tục sau 12 - 24 giờ), cập nhật từng giờ đến cấp xã (3x3 km), thôn, bản (1x1 km) và vị trí cụ thể.

Các thông tin trên được tích hợp trong app di động "Sạt lở Việt Nam 2.2" (tên app là SatloVN22).

Khi dùng app, người dùng được nhận cảnh báo đa thiên tai (trượt lớn, sạt lở và lũ quét); thông tin cập nhật liên tục 20 phút/lần, bao gồm toàn bộ vùng đất dốc Việt Nam; cảnh báo chi tiết đến từng vị trí, khu tập trung dân cư, thôn, bản; cung cấp thông tin lượng mưa ngày, 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ trong vùng xung quanh người dùng (bán kính vùng do người sử dụng tùy chọn, từ 100 m đến 3.000 km).

Cảnh báo sạt lở xuất hiện khi người dùng ở trong khoảng cách dưới 300 m tới vị trí có nguy cơ. Cảnh báo sạt lở sẽ xuất hiện 15 - 17 giây/lần khi di chuyển, 1 phút/lần khi đứng yên. 

Cảnh báo mưa lớn (từ hơn 50 mm/ngày) sẽ xuất hiện 1 phút/lần khi di chuyển và 10 phút/lần khi đứng yên.

"Người dân có thể tự theo dõi lượng mưa lớn trên ứng dụng Sạt lở Việt Nam (nếu đã cài đặt) với bán kính 3.000 - 5.000 m (3 - 5 km). Khi mưa lớn cần thường xuyên kiểm tra các dòng chảy có khu dân cư lân cận, khoảng 30 - 60 phút/lần. Nếu mưa lớn tiếp diễn mạnh mà mực nước không tăng, thậm chí giảm thì cần cảnh báo ngay và di chuyển đến địa hình cao hơn dòng chảy ít nhất 5 - 6 m", GS Đức chia sẻ.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn