Nhảy đến nội dung

Lập trường thay đổi của ông Trump về chiến sự Ukraine

"Tôi sẽ nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng 'dừng lại, ông cần phải thiết lập một thỏa thuận'. Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tôi nói 'nếu ông không tham gia thỏa thuận, chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine rất nhiều, nhiều chưa từng thấy nếu buộc phải làm vậy'", ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tháng 7/2023, khi được đề nghị nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine.

Ông Trump cho hay có "quan hệ rất tốt" với cả hai lãnh đạo Nga - Ukraine và ông sẽ hoàn tất thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ nếu đắc cử. "Chỉ một ngày", ông cho biết thêm.

Đến ngày 15/3, sau khi nắm quyền gần ba tháng, ông Trump vẫn chưa hiện thực hóa được cam kết này. "Chà, tôi chỉ có ý đùa khi nói vậy", Tổng thống Mỹ trả lời. "Ý tôi là tôi thực sự muốn giải quyết nhanh gọn và tôi nghĩ mình sẽ thành công".

Đến cuối tháng 3, Tổng thống Trump cho hay "rất tức giận" khi Tổng thống Putin dường như đang trì hoãn thỏa thuận hòa bình, và ông đe dọa sẽ có biện pháp mạnh với Nga.

"Nếu tôi và phía Nga không thể đạt thỏa thuận về chấm dứt đổ máu ở Ukraine và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế thứ cấp đối với tất cả dầu xuất khẩu từ họ", ông nói. Ông chủ Nhà Trắng giải thích đòn thuế này có nghĩa "nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn không thể làm ăn tại Mỹ", thêm rằng mức thuế có thể là 25-50%.

Một tháng sau, Tổng thống Mỹ tuyên bố "có hạn chót của riêng mình" khi nhắc đến nỗ lực thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine. "Sau thời điểm đó, chúng tôi sẽ có thái độ rất khác", ông Trump nói thêm, nhưng không nêu cụ thể hạn chót này là khi nào.

Mỹ sau đó gia tăng sức ép để Nga - Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Tuần trước, khi phái đoàn cấp thấp của hai bên lần đầu gặp nhau tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn ba năm, Tổng thống Mỹ lại nói rằng vấn đề sẽ không thể được giải quyết cho đến khi ông và Tổng thống Putin gặp nhau trực tiếp.

Hôm 19/5, lập trường của ông chủ Nhà Trắng một lần nữa thay đổi.

Sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Trump cho hay các điều kiện của một thỏa thuận hòa bình phải do chính Nga - Ukraine đàm phán với nhau, có thể với hỗ trợ từ tân Giáo hoàng Leo XIV.

"Nga và Ukraine sẽ lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn, và quan trọng hơn là chấm dứt cuộc chiến. Vatican, do Giáo hoàng đại diện, đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được đăng cai các cuộc đàm phán. Hãy để tiến trình bắt đầu!", ông Trump viết trên mạng xã hội.

Ông Trump cũng ca ngợi "tông giọng và tinh thần của cuộc trao đổi rất tích cực", và bày tỏ lạc quan về triển vọng chấm dứt chiến sự. Tuy nhiên, trong thông cáo về cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin chỉ nói rằng Nga sẵn sàng hợp tác cùng Ukraine để xây dựng "bản ghi nhớ về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai".

Các cuộc đàm phán về bản ghi nhớ hay cơ hội tiềm năng dường như không phải nền tảng vững chắc cho nỗ lực xây dựng các thỏa thuận lâu dài một cách nhanh chóng, giới quan sát đánh giá. Một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày, điều mà ông Trump đã nỗ lực thúc đẩy, đã không đạt được.

Ông Putin một lần nữa nhấn mạnh bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến cũng phải giải quyết được "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột, mà theo Nga là bắt nguồn từ việc Ukraine mong muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu nhằm chống lại nước này.

5 ngày trước, Tổng thống Trump còn là nhà trung gian hòa giải nhiệt huyết, người kiến tạo hòa bình sẵn sàng bắc cầu nối cho Nga và Ukraine. Nhưng sau cuộc điện đàm, ông chỉ đơn giản nói rằng Moskva và Kiev phải nói chuyện trực tiếp với nhau, "vì chỉ họ mới có thể làm được điều đó".

Theo bình luận viên Pjotr Sauer của Guardian, tuyên bố của ông Trump ngầm phát đi thông điệp rằng Mỹ cuối cùng sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán, hoặc từ bỏ vai trò dẫn dắt, và chỉ "những bên tham chiến" mới có thể nhất trí về các điều kiện cho một thỏa thuận ngừng bắn.

"Washington có thể không hoàn toàn rời khỏi tiến trình này, nhưng có vẻ như họ muốn một bên khác đảm nhận vai trò dẫn đầu", Nick Paton Walsh, bình luận viên kỳ cựu từ CNN, nhận định.

"Hai bên đều có cái tôi lớn", ông Trump nói vào chiều 19/5, trước cuộc điện đàm, và thêm rằng nếu Nga và Ukraine không thể đàm phán về việc chấm dứt xung đột, "tôi sẽ lùi lại để họ tiếp tục với nhau".

Tuy nhiên, động thái này cũng gây ra nhiều câu hỏi và đi kèm một số rủi ro.

Nếu Mỹ từ bỏ vai trò của mình, như Phó tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio từng cảnh báo, liệu điều này có đồng nghĩa với việc Washington sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ quân sự và tình báo cho Kiev hay không?

Và nếu đúng như vậy, đây dường như là kịch bản mà Nga, với nguồn lực lớn hơn so với một Ukraine bị cắt đứt khỏi những hỗ trợ từ Mỹ, mong đợi.

Viễn cảnh đó đủ khiến Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky bày tỏ lo ngại. "Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không nên xa rời các cuộc đàm phán và nỗ lực theo đuổi hòa bình", ông phát biểu sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump - Putin.

Có vẻ như Ukraine và Nga vẫn sẽ tiếp tục một số cuộc trao đổi trực tiếp, và đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào cũng là dấu hiệu tiến triển sau hơn ba năm giao tranh đẫm máu giữa hai bên.

Ông Trump đang đưa ra lời hứa giảm lệnh trừng phạt cũng như triển vọng về các thỏa thuận thương mại và đầu tư kinh tế mới như phần thưởng nhằm thuyết phục Nga hướng tới thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Tổng thống Mỹ đã nhắc lại điều này trong các bình luận sau cuộc gọi. Mặt khác, ông không đề cập tới bất kỳ hậu quả tiêu cực nào có thể xảy ra, như áp lệnh trừng phạt mới đối với hoạt động ngân hàng và xuất khẩu năng lượng của Nga.

Ông Trump tháng trước cảnh báo sẽ không dung thứ nếu Tổng thống Putin "chơi đùa" với mình và yêu cầu Nga không nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự ở Ukraine. Nhưng trong ngày diễn ra cuộc điện đàm, Nga đã phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) lớn nhất từ trước tới nay vào các thành phố Ukraine.

Kết quả điện đàm cũng cho thấy rõ ràng rằng lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột vẫn còn rất xa vời, bình luận viên Anthony Zurcher từ BBC nhận xét.

Theo Walsh, những gì diễn ra trong 10 ngày qua là bằng chứng sống động nhất cho thấy Tổng thống Putin thực sự không cần đến vai trò của Tổng thống Mỹ trong các hành động hay quyết định liên quan đến Ukraine.

Hơn ba năm qua, truyền thông Nga luôn nhấn mạnh với người dân trong nước rằng họ không chỉ xung đột với Ukraine mà còn với toàn bộ NATO, trong đó có Mỹ. Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng mang đến cơ hội để Điện Kremlin giành được vị thế đàm phán tốt hơn hoặc thậm chí giảm bớt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, nó không thể thay đổi tính toán hay thông điệp cốt lõi của Nga.

Người dân Nga cũng phải chịu những mất mát và đau thương sau hơn ba năm chiến sự và vì thế, Điện Kremlin càng không thể chấp nhận một kết quả mà ở đó họ bị nhìn nhận như một bên yếu thế.

Lập trường thay đổi của ông Trump cho thấy những hạn chế của Mỹ trong nỗ lực tác động tới Nga. Mỹ có thể leo thang trừng phạt, thậm chí, như ông Trump đã cân nhắc vào tuần trước, bổ sung "những biện pháp trừng phạt thứ cấp" nhắm vào các nước mua dầu Nga như Ấn Độ hay Trung Quốc, nhằm cắt đứt nguồn tài chính của Moskva.

Nhưng hành động này sẽ gây ra rạn nứt với các cường quốc mà Mỹ vừa mới hàn gắn được phần nào sau những biến động thương mại bắt nguồn từ đòn thuế của Tổng thống Trump.

Mỹ cũng có thể nới lỏng trừng phạt để thuyết phục Nga nhượng bộ, nhưng điều đó lại có nguy cơ làm phật lòng các đồng minh châu Âu và có khả năng thất bại nếu không được châu Âu hậu thuẫn.

Mọi bước đi nhằm gây thiệt hại lớn hơn cho Nga đều phát đi tín hiệu rằng Tổng thống Trump đang muốn đi xa hơn người tiền nhiệm Joe Biden trong nỗ lực trừng phạt Moskva. Nhưng đây không phải kế hoạch địa chính trị mà ông chủ Nhà Trắng hướng tới, bởi nó sẽ khiến Mỹ can dự sâu hơn vào một cuộc xung đột không hồi kết, chỉ cho đến khi một trong hai bên suy yếu hoàn toàn hoặc chứng kiến những bước ngoặt lớn trong cuộc chiến.

Ngoài ra, với tình hình ảm đạm của Ukraine trên chiến trường, ông Trump cũng không có đòn bẩy nào để gây áp lực lên người đứng đầu Điện Kremlin.

"Tổng thống Trump có lẽ không nhìn thấy bất kỳ lợi ích nào trong việc đầu tư dài hạn vào một cuộc đối đầu với đối thủ như Nga", Walsh nhận xét.

Vũ Hoàng (Theo BBC,CNN, AP)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn