Nhảy đến nội dung

Lão nông miền Tây 'kỳ lạ', dành tiền giải cứu trâu bò khỏi lò mổ suốt 9 năm

Suốt 9 năm qua, ông Trần Văn Pho ở An Giang dành tiền giải cứu trâu bò khỏi lò mổ, chăm sóc đến cuối đời như một cách đền đáp nghĩa tình loài vật.

Từng gắn bó với trâu bò từ thuở nghèo khó, ông Trần Văn Pho ở An Giang đã chọn cách sống khác biệt: bỏ ruộng, dốc tiền nuôi trâu bò giải cứu từ lò mổ, coi như người thân trong nhà.

Cứu mạng trâu bò để trả nghĩa

Một ngày nắng nóng của tháng 5.2025, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Pho (Tám Pho, 64 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình, TP.Long Xuyên, An Giang). Vừa hì hục dắt đàn trâu bò vào tránh nắng, ông vừa gọi tên từng con trâu Xe, bò Xe… Đó là những cái tên do ông đặt cho mỗi con khi được giải cứu khỏi lò mổ.

Ông Pho kể, tuổi thơ của ông gắn liền với đồng ruộng và những con trâu, con bò kéo cày. Khi trưởng thành, lập gia đình, ông được cha mẹ cho ruộng đất ra riêng. Nhờ siêng năng, chí thú làm ăn, dần dần ông mở rộng diện tích canh tác lên 4 ha, đầu tư máy tuốt lúa, máy cuộn rơm để tăng thu nhập.

Năm 2016, khi kinh tế vững vàng, con cái yên bề gia thất, ông quyết định chuyển hướng cuộc đời, ăn chay trường, tu học Phật pháp và cưỡi trâu đi hái thuốc nam gửi tặng các phòng khám từ thiện. Ông nói mình không biết chạy xe máy, còn cưỡi trâu đã quen từ nhỏ và loài vật này gắn bó suốt quãng đời cơ cực mình.

Chứng kiến những con trâu bị bán vào lò mổ, có con quỵ gối như van xin, ông cảm thấy xót xa và đau lòng. "Tôi không thể làm ngơ. Chúng có linh tính, có cảm xúc. Tôi coi việc cứu trâu bò như đền đáp công lao chúng từng giúp gia đình tôi vượt qua những ngày đói khổ", ông Tám Pho nói.

Ông quyết định giao lại toàn bộ 4 ha đất cho các con canh tác, còn ông dành thời gian, tiền bạc cho chuyện cứu trâu bò. Ông dựng chuồng trại, trồng cỏ với diện tích 1,2 ha để nuôi dưỡng những con được giải cứu.

Hành trình giải cứu trâu bò khỏi cửa tử

Ông kể, chuyến giải cứu đầu tiên là tại một lò mổ ở TP.Long Xuyên (An Giang) và cứu được một cặp bò trước khi bị chích điện. Từ đó, ông lặn lội khắp nơi từ Thoại Sơn, Tịnh Biên… đến những lò mổ xa xôi, có nơi phải đi bộ hàng chục cây số.

"Không có tiền nhiều, tôi chỉ chọn cứu những con có "duyên". Bao nhiêu tiền trong túi đều dốc hết để mua lại. Mua được con nào là mừng rơi nước mắt", ông Tám Pho kể.

Tính đến nay, ông cứu được 24 con, gồm 17 bò và 7 trâu. Trong đó, 2 con đã chết vì già hoặc do thương tích nặng không chữa được. Những con sống đều được ông chăm sóc kỹ lưỡng, ngày ngày cho ăn và trò chuyện, vuốt ve. "Chúng hiểu lời tôi nói. Khi tôi đến gần, chúng cúi đầu cho vuốt, có con còn chạy tới mừng rỡ", ông cười hiền.

Khi con trâu, bò nào chết đi, ông đều chôn cất tử tế sau vườn và làm bia đá có khắc hình, tên gọi… "Chúng ở với mình dù ngắn ngủi cũng phải đưa tiễn đàng hoàng", ông Tám Pho nói.

Bỏ ngoài tai lời gièm pha, chê bai

Để có thêm chi phí, ông Tám Pho tận dụng rơm rạ sau mùa gặt, thuê người cuộn rồi bán lại cho các trại trồng nấm. Trước đây, mỗi năm, ông thu được 50 – 60 triệu đồng từ việc này, đủ trang trải thức ăn cho đàn trâu bò. Gần đây, thị trường khó khăn, tiêu thụ chậm, ông phải vay mượn và đang cố gắng xoay xở để trả.

"Có người nói tôi khùng, khi không bỏ làm ruộng để nuôi súc vật rồi mang nợ vào thân. Họ khuyên tôi bán bớt trâu bò để an hưởng tuổi già, nhưng tôi không thể làm vậy. Nếu bán, chúng có thể bị đưa vào lò mổ lần nữa, công sức bấy lâu coi như uổng phí", ông Tám Pho nói.

Ông cũng dặn dò các con, khi ông qua đời, hãy thay ông tiếp tục chăm sóc đàn trâu bò như một tâm nguyện cuối đời.

Ông Châu Thênh (45 tuổi, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên), người đồng hành với ông Tám trong những lần thu mua rơm rạ, cho biết: "Nhà cửa, đất đai không thiếu, nhưng chú Tám Pho không hưởng thụ mà chỉ lo cho đàn trâu bò. Chú thương chúng như con, chưa bao giờ thấy chú để trâu bò đói".

Ông Dương Hoàng Nam, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Hòa Thạnh, xác nhận việc làm của ông Tám Pho được nhiều người trong xóm quý trọng. "Tuy kinh tế khá giả, đất đai nhiều nhưng ông có thói quen rất kỳ lạ, đó là chuyên đi cứu trâu bò từ lò mổ về nuôi. Lúc đầu chỉ vài con, về sau lên tới mấy chục con. Dân ở đây ai cũng quý cách yêu động vật và miệt mài hành trình cứu chúng. Ông cũng chưa bán con vật nào mà mình từng cứu", ông Nam nói.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn