Lãnh đạo Thế giới Di động: Tháng 10 về đích, cuối năm vượt trội, tầm nhìn 2030 trở thành nhà bán lẻ vĩ đại

Sau 5 tháng đầu năm 2025, MWG ghi nhận doanh thu đạt 61.229 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành 41% kế hoạch cả năm.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động vừa có chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 21 năm thành lập MWG.
Nguyên văn dòng chia sẻ:
“Chúc mừng sinh nhật tuổi 21 của Tập đoàn MWG!!!
21 năm không ngừng đổi mới, bền bỉ, vững mạnh và vươn xa – MWG đã viết nên hành trình truyền cảm hứng của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành bán lẻ, vận hành bằng sự tử tế.
Hành trình ấy được tạo dựng từ tinh thần phục vụ khách hàng, sự tận tâm và máu lửa của đội ngũ tuyến đầu, sự đồng lòng của các khối phục vụ, sự đồng hành của quý đối tác, niềm tin của nhà đầu tư, cùng tầm nhìn chiến lược từ những nhà sáng lập và ban lãnh đạo công ty.
Tháng 10 về đích – Cuối năm vượt trội – Tiến gần hơn đến tầm nhìn 2030 trở thành nhà bán lẻ vĩ đại, chiếm lĩnh 70–80% thị phần, kiến tạo giá trị bền vững cho khách hàng và cộng đồng.
21 năm rực rỡ – Vững chí bền tâm – Viết tiếp tương lai!!!”
Những mục tiêu được lãnh đạo MWG hé lộ cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của doanh nghiệp. Ghi nhận từ báo cáo MWG, lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, MWG ghi nhận doanh thu đạt 61.229 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành 41% kế hoạch cả năm.
Nếu muốn hoàn thành kế hoạch năm chỉ sau 10 tháng đúng như kỳ vọng của ông Đoàn Văn Hiểu Em, đồng nghĩa trong vòng 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10) MWG cần đem về thêm gần 88.800 tỷ đồng doanh thu.
Xét riêng các chuỗi, tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đạt gần 41.000 tỷ sau 5 tháng, tăng 11% so với cùng kỳ 2024. Kênh online 5 tháng đầu năm đạt gần 2.600 tỷ đồng, chiếm 6% trong tổng doanh thu 2 chuỗi.
Cũng theo một chia sẻ từ ông Hiểu Em, sau 6 tháng triển khai dịch vụ nạp rút tiền và chuyển tiền tại các điểm siêu thị của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, đã có gần 600.000 giao dịch nạp/rút/chuyển tiền chức năng như 1 cây ATM, tổng giá trị lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Với Bách Hóa Xanh, doanh thu đạt gần 18.900 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Mức tăng đến từ cả hai nhóm ngành hàng chính là thực phẩm tươi sống và FMCG. Tính đến hết tháng 5, chuỗi đã mở mới 410 cửa hàng, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm là mở mới từ 200 - 400 cửa hàng, nâng tổng quy mô lên 2.180 cửa hàng BHX.
Ngoài ra, MWG còn có 1.015 cửa hàng thuộc chuỗi TGDĐ; 2.025 cửa hàng ĐMX; 326 nhà thuốc An Khang (giữ nguyên so với cuối tháng 4); 62 cửa hàng AVAKids; chuỗi EraBlue tại Indonesia cũng mở rộng thêm 8 điểm bán trong tháng để nâng lên 107 cửa hàng.
Với chuỗi điện máy tại Indonesia, vừa qua MWG và Erajaya đã ký kết biên bản ghi nhớ về khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD (~1.300 tỷ đồng). Thỏa thuận này thể hiện tầm nhìn chiến lược và tham vọng của cả hai bên, hướng tới mục tiêu mở rộng và phát triển mạnh mẽ đến năm 2027. Theo chia sẻ từ đại diện MWG, liên doanh của Thế Giới Di Động và Erajaya đặt mục tiêu đến năm 2027 mở 500 cửa hàng điện máy EraBlue, doanh thu lũy kế đạt trên 1 tỷ USD. Chuỗi điện máy quyết tâm trở thành nhà bán lẻ lớn nhất tại thị trường gần 300 triệu dân này cả về quy mô và doanh thu. Ngoài ra, MWG cũng không ngoại trừ tham vọng IPO mô hình liên doanh này, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hợp tác và mở rộng quốc tế.
Trong báo cáo mới đây, Vietcombank Securities (VCBS) kỳ vọng BHX sẽ tăng trưởng lợi nhuận tích cực từ quý 2/2025 khi gần như hoàn tất kế hoạch mở mới trong năm. Theo CTCK này, từ quý 2 trở đi, khi chi phí đầu tư giảm và các cửa hàng mới đóng góp doanh thu ổn định, BHX có thể đạt lợi nhuận ròng khoảng 120 tỷ đồng mỗi quý, tạo động lực tăng trưởng cho MWG.
VCBS cho rằng, chính sách khấu trừ thuế trực tiếp trên các sàn TMĐT khiến nhiều shop cá nhân rút lui, trong khi gian hàng chính hãng tăng trưởng vượt bậc. Đây là cơ hội để MWG, với các thương hiệu như TGDĐ và ĐMX, đẩy mạnh hiện diện online và mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, MWG cải thiện biên lợi nhuận ròng nhờ chiến lược tối ưu vận hành và cạnh tranh giá giảm nhiệt.
Ngoài ra, MWG cũng giảm áp lực chi phí khấu hao từ năm 2025. Từ 2023, khi quá trình mở rộng chậm lại, dễ thấy số dư tài sản ròng suy giảm nhanh chóng khi nhiều cửa hàng dần hết thời gian khấu hao. Theo ước tính của VCBS, dự kiến trong năm 2025, khoảng 800 cửa hàng hoàn tất chu kỳ này, giúp MWG tiết kiệm 900 tỷ đồng, cải thiện biên lợi nhuận và tối ưu chi phí vận hành.