Nhảy đến nội dung
 

Làn sóng máy bay không người lái AI giá rẻ của Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái AI giá rẻ, linh hoạt và khó bị gây nhiễu, nhằm kỳ vọng tạo lợi thế sớm trong chiến tranh thông minh hiện đại.

quan su Trung Quoc anh 1

Trong cuộc đua vũ trang thời đại công nghệ cao, quân đội Trung Quốc đang tăng tốc triển khai các loại máy bay không người lái (drone) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), vừa có chi phí thấp vừa linh hoạt trên chiến trường, theo SCMP.

Hàng loạt bản tin gần đây trên truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy những bước tiến nhanh chóng của lực lượng Giải phóng quân (PLA) trong việc hiện đại hóa vũ khí, từ drone siêu nhỏ đến các dòng điều khiển bằng cáp quang.

Công nghệ sợi quang và mô phỏng chiến thuật Ukraine

Một trong những mẫu UAV mới nhất - loại drone siêu nhỏ chỉ nặng chưa đến 1 kg, trông như bình giữ nhiệt - đã được giới thiệu trên kênh CCTV hôm 26/4. Đây là mẫu đầu tiên được thiết kế đặc biệt cho các đơn vị bộ binh PLA.

Theo báo cáo, thiết kế hai cánh quạt đồng trục giúp drone có lực nâng vượt trội so với các loại quadcopter truyền thống, cho phép mang trọng lượng gấp đôi khối lượng bản thân - tỷ lệ tải trọng được đánh giá là cao nhất thế giới hiện nay.

Không chỉ gọn nhẹ và cơ động, drone còn có cánh quạt gập, hệ thống mô-đun cho phép thay đổi nhiệm vụ - từ trinh sát đến tấn công. Thiết bị hoạt động gần như không phát ra âm thanh, truyền dữ liệu tình báo thời gian thực, có thể mang tới 3 quả lựu đạn và được tích hợp bộ xử lý thần kinh để điều khiển AI, giúp một người vận hành đồng thời nhiều drone.

Tờ PLA Daily mô tả đây là bước “nhảy vọt có tính giai đoạn” trong công nghệ tác chiến không người lái - từ việc mở rộng ứng dụng sang tích hợp sâu vào chiến dịch, hướng tới mục tiêu tự động hóa hoàn toàn.

Theo đánh giá, đây sẽ là yếu tố quyết định trong việc xác lập luật chơi mới trên chiến trường tương lai và giành lợi thế sớm trong chiến tranh trí tuệ.

Đáng chú ý, mẫu drone này có thể được phóng đi từ súng phóng lựu 35mm, giúp rút ngắn thời gian cất cánh và mở rộng phạm vi tấn công.

Trước đó, mẫu CH-817 của Tập đoàn công nghệ hàng không Trung Quốc (Aerospace CH UAV) cũng từng xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2021, được thiết kế cho tác chiến du kích và đô thị.

quan su Trung Quoc anh 2

Một máy bay không người lái siêu nhỏ được phát trên truyền hình nhà nước trông giống như một bình giữ nhiệt và nặng chưa đến một kg. Theo báo cáo, nó được thiết kế để sử dụng trên khắp các đơn vị bộ binh của PLA. Ảnh: CCTV.

Trong một bản tin khác phát sóng gần đây, CCTV nhấn mạnh sự phát triển của dòng drone điều khiển qua cáp quang với góc nhìn thứ nhất (FPV), hiện được một lữ đoàn thuộc Tập đoàn quân số 71 sử dụng.

Các drone này thường được cải tiến từ mẫu thương mại, mô phỏng chiến thuật trên chiến trường Ukraine - nơi khả năng chống gây nhiễu và thao tác chính xác khiến chúng trở thành vũ khí lượn lờ (loitering munition) cực kỳ hiệu quả.

Trong khi UAV sử dụng cáp quang của Nga có thể tấn công mục tiêu cách 25km, mẫu Flagbearer-10 của Ukraine đạt tầm xa đến 41km. Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng nhanh chóng vào cuộc. Công ty Skywalker Technology (có trụ sở tại Vũ Hán) đã tung ra bộ tích hợp cáp quang thương mại với tầm hoạt động tới 50km.

Với hơn 350 triệu km lõi cáp quang được sản xuất trong năm 2023 - chiếm 62,5% sản lượng toàn cầu - Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

CCTV cũng giải thích về độ bền của cáp quang tầm xa, cho biết dây sẽ được nhả từ drone trong quá trình bay, giống như tên lửa và ngư lôi dẫn đường bằng dây, tránh bị kéo đứt hay rối trong các thao tác phức tạp.

Nhiều đơn vị tuyến đầu của PLA cũng đang tự chế các loại drone thả lựu đạn và súng cối, kế thừa từ dòng Blowfish A2 của hãng Ziyan UAV - một mẫu tốc độ cao có thể bắn loạt 8 quả đạn nổ trên không. Tuy nhiên, hiện nay, PLA ưu tiên dùng phiên bản nhẹ, thủ công để triển khai nhanh tại tiền tuyến.

Một chiến thuật chưa được PLA áp dụng nhưng đang phổ biến ở Ukraine là dùng drone để thả mìn chống tăng. Ukraine là nước tiên phong trong việc sử dụng mìn TM-62 được gắn vào drone hạng nặng, sau đó Nga cũng triển khai theo. Những thiết bị này có sức công phá tương đương hai quả pháo 155mm.

Trung Quốc hiện sở hữu các loại mìn tương tự và có mạng lưới drone nông nghiệp lớn giúp dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu triển khai, lực lượng tiền tuyến của PLA có thể được hỗ trợ hỏa lực cơ động ngay cả khi thiếu pháo binh hoặc không quân.

Thúc đẩy năng lực nội địa

Trong bối cảnh drone ngày càng được quan tâm trên chiến trường, các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc cũng đạt nhiều bước tiến trong truyền thông drone qua cáp quang.

Một ví dụ là mẫu SKP-880FM, do nhóm nghiên cứu của giáo sư Wang Hongyu tại Đại học Giao thông Thượng Hải hợp tác với công ty Xuntian Optoelectronics phát triển.

Drone này đã hoàn thành các chuyến bay thử trong năm nay, sử dụng cáp quang để truyền tín hiệu điều khiển và dữ liệu, giúp tăng độ ổn định và bảo mật. Theo nhóm nghiên cứu, khả năng chống nhiễu điện từ mạnh giúp thiết bị sống sót tốt hơn trong môi trường tác chiến phức tạp và hoàn thành nhiệm vụ suôn sẻ.

quan su Trung Quoc anh 3

Chiếc máy bay không người lái siêu nhỏ này được cho là có thể mang theo tới 3 quả lựu đạn. Ảnh: CCTV.

Bên cạnh đó, các đơn vị PLA, đặc biệt tại miền Bắc và Tây Trung Quốc, cũng tăng cường diễn tập phòng thủ trước nguy cơ bị drone tấn công. Từ ngụy trang xe tăng đến huấn luyện ứng phó ở nhiều địa hình khác nhau, PLA đang chuẩn bị cho kịch bản drone xâm nhập quy mô lớn.

Trọng tâm hiện tại là đối phó với dòng FPV điều khiển bằng cáp quang - loại drone đang gây sát thương lớn và được sử dụng phổ biến nhất trong xung đột Nga - Ukraine. Sự xuất hiện dày đặc của chúng buộc các quân đội phải thay đổi cách phòng thủ truyền thống bằng xe bọc thép và chiến thuật nghi binh.

Không chỉ tập trung vào tác chiến, Không quân PLA và Ủy ban Quân sự Trung ương cũng đang thử nghiệm ứng dụng drone giá rẻ trong các lĩnh vực hậu cần và trinh sát. Chuyên gia AI Zhang Xiangbo (Quảng Châu) - người quan sát các cuộc thử nghiệm - nhận xét rằng cả drone không dây và điều khiển bằng cáp đều thể hiện hiệu quả cao.

“Không có lựa chọn nào là tối ưu tuyệt đối, chỉ có phương án phù hợp nhất với từng tình huống”, ông nói. “Drone không dây có lợi thế về phản ứng nhanh, còn drone cáp quang được ví như ‘diều công nghệ cao’ thì gần như không thể bị gây nhiễu”.

Ông cho biết, các cuộc thử nghiệm trong tương lai sẽ tập trung vào việc ra quyết định chiến đấu tự động và tích hợp hệ thống sâu rộng hơn.

“Sự ưu tiên của PLA đối với tính ứng dụng thực tế và đổi mới tiết kiệm chi phí đang định hình lại chiến lược mua sắm vũ khí. Đây có thể chính là chìa khóa giúp Trung Quốc vượt lên trong kỷ nguyên chiến tranh trí tuệ”, ông Zhang nhận định.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.