Nhảy đến nội dung

'Làn sóng' đặt tên địa danh thay cho số

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm khen cách đặt tên phường mới của TP.HCM, một 'làn sóng' đặt tên địa danh thân thuộc cho xã phường đã lan ra mạnh mẽ trong cả nước.

Ngày 22-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Minh Kiều - chủ tịch UBND quận 5 - cho biết liên quan hai cái tên của quận 5 mà Tổng Bí thư khen là An Đông và Chợ Lớn, địa phương đã rất cân nhắc trước khi chọn hai tên này.

Ký ức sống động của nhiều thế hệ

Theo bà Kiều, cái tên An Đông được chọn vì nó gợi nhắc đến trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) - một biểu tượng thương mại sầm uất được hình thành từ năm 1951 - 1954. 

Chợ An Đông không chỉ là nơi giao thương mà còn là biểu tượng lâu đời của Sài Gòn, là ký ức sống động của nhiều thế hệ người Sài Gòn. 

Chợ An Đông không chỉ đóng vai trò đầu mối quan trọng của quận 5 mà còn có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa đến các quận lân cận và các tỉnh thành, đồng thời là điểm đến du lịch, mua sắm thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân quận 5 nói riêng và TP.HCM nói chung. 

Đến năm 1959, phường An Đông chính thức ra đời như một tất yếu cho một địa danh gắn liền với biểu tượng lâu đời của Sài Gòn. Qua nhiều thời kỳ cách mạng, tên phường An Đông vẫn được giữ cho đến tháng 5-1976.

"Việc sử dụng tên gọi An Đông cho đơn vị hành chính phường mới không chỉ phản ánh chính xác đặc trưng kinh tế nổi bật nhất của địa bàn, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho công tác quản lý nhà nước, các giao dịch hành chính, dân sự, kinh tế của tổ chức và người dân", bà Kiều chia sẻ.

Còn về phường Chợ Lớn, bà Kiều cho hay Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19. Quá trình lịch sử hình thành và phát triển của quận 5 gắn liền với quá trình hình thành của khu vực Chợ Lớn, là nơi tập trung nhiều đồng bào Hoa sinh sống. 

Nơi đây được biết đến là khu trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng cho đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ. Hiện nay khu vực này vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa và kiến trúc độc đáo, lối sống, tín ngưỡng và hoạt động thương mại. 

Việc đặt tên phường là Chợ Lớn không chỉ nhằm tôn vinh, bảo tồn một di sản đô thị phi vật thể quan trọng, một "thương hiệu" lịch sử đã được thừa nhận rộng rãi, mà còn khẳng định vị trí trung tâm, cốt lõi của phường mới trong không gian văn hóa - lịch sử của vùng Chợ Lớn.

"Phường Chợ Lớn có các ngôi chợ Kim Biên, Tân Thành, Soái Kình Lâm, Xã Tây, Phùng Hưng, Hà Tôn Quyền... Ngoài ra còn có di tích cấp quốc gia số 5 Châu Văn Liêm và các di tích văn hóa gắn với di sản văn hóa phi vật thể của người Hoa quận 5", bà Kiều chia sẻ.

Dân đón nhận nhiệt tình

Quảng Trị là địa phương có "làn sóng" đổi tên từ địa danh gắn với con số khô khan sang những tên thân thuộc. 

Chỉ trong vài ngày, ba huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh đã có những điều chỉnh tên gọi phường xã ngay sau khi bị nhiều người phản ứng vì không mang những thông điệp văn hóa cần thiết của vùng đất. 

Huyện Triệu Phong ban đầu được sắp xếp thành 5 xã mới có tên đánh số, từ Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5, nhưng sau đó đã đổi thành 5 tên gọi mang bản sắc của địa phương: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.

Huyện Vĩnh Linh lúc đầu cũng chọn tên mới theo số thứ tự từ Vĩnh Linh 1 đến Vĩnh Linh 5, nhưng sau đó đã thay bằng những tên gọi giàu ý nghĩa mà ông cha đã từng sử dụng: Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Thủy, Bến Quan. 

Huyện Gio Linh cũng đổi tên ba xã mới từ Tây Gio Linh thành Cồn Tiên, Đông Gio Linh thành Cửa Việt, Bắc Gio Linh thành Bến Hải (riêng tên xã Gio Linh giữ nguyên như phương án cũ).

Ông Lê Đức Thọ, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Trị, cho biết khi thay đổi thành những tên gọi từ số sang tên gọi thân thuộc, vốn gắn bó với tiềm thức của người dân, đã được người dân đón nhận nhiệt tình.

"Những tên gọi mới mang cả tình cảm và sự gắn bó của người dân từ bao đời, nên trước hết những tên gọi này sẽ khơi dậy cảm thức yêu thương quê hương của người dân. Về mặt xã hội thì đây là sự thay đổi kịp thời và có tiếp thu của chính quyền", ông Thọ nói.

Nên lắng nghe ý dân

Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị để thay cách đặt tên các xã phường gắn số thứ tự hoặc theo phương hướng bằng tên làng cũ, tên dòng sông hay di sản văn hóa nổi tiếng. TP Hội An dự kiến các tên phường mới: Thanh Hà, Thanh Châu, Hội An. 

TP Tam Kỳ dự kiến có tên phường mới: Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú. Bên cạnh đó là những cái tên gắn với các di sản, con sông như xã Mỹ Sơn, phường Bàn Thạch, xã Vu Gia, xã Thu Bồn, xã Gò Nổi, xã Chợ Được, xã Bến Hiên, xã Chu Lai, xã Chiên Đàn...

Lý giải về việc tỉnh bỏ tên xã bằng số và lấy lại những cái tên xưa như Thu Bồn, Vu Gia, Mỹ Sơn, Bàn Thạch, Chiên Đàn, Gò Nổi..., Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết trước đó thực hiện theo khuyến khích của Bộ Nội vụ nên đặt tên theo kiểu lấy tên huyện cộng thêm con số. 

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến nhân dân thì người dân không đồng tình, lãnh đạo tỉnh thấy điều đó hoàn toàn chính đáng nên lắng nghe ý kiến của dân và điều chỉnh tên gọi gần gũi với truyền thống văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương.

Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng - nguyên trưởng Phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc điều chỉnh tên xã không còn số và sử dụng tên bằng tiếng thuần Việt như vậy là tốt. 

"Tên một vùng đất mang tính bao hàm chung thì nó đã nổi tiếng xưa nay, ví dụ Thu Bồn, Vu Gia, Mỹ Sơn, Chiên Đàn... Vì vậy đặt tên cho một đơn vị hành chính xã thì nên lấy những địa danh hồi xưa cha ông mình đã đặt. Dưới triều Nguyễn cũng đã đặt tên mang ý nghĩa tốt đẹp, hướng về giá trị chân thiện mỹ, khát vọng phồn vinh của vùng đất, ước vọng con người vươn tới tương lai cho con cháu về sau" - ông Hướng nói.

Lại "dậy sóng" do cách đặt tên: Đông, Tây, Nam, Bắc

Nhiều ngày qua, dư luận tại An Giang "dậy sóng" khi chính quyền đặt tên nhiều xã phường gắn với các hướng (đông, Tây, Nam, bắc) mà bỏ quên những tên có truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh này.

Một lãnh đạo Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) cho rằng tỉnh An Giang đặt tên mới cho các xã phường đều gắn với phương hướng đông, Tây, Nam, Bắc là rất kỳ. "Việc xã An Hảo và Tân Lập nhập lại đặt tên xã Tịnh Biên Nam, thay vì An Hảo hoặc Núi Cấm, là không hợp lý. 

Tên Núi Cấm, một địa danh nổi tiếng gắn liền với vùng Bảy Núi, đáng được ưu tiên hơn tên gọi theo hướng như hiện nay. Tên xã phường mang tính định hướng đông, Tây, Nam, Bắc thiếu ý nghĩa và khó hiểu đối với người ngoài tỉnh. Việc không sử dụng địa danh lâu đời, giàu truyền thống văn hóa lịch sử của An Giang là bất ổn", vị này nói.

TS Ngô Quang Láng, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, cho rằng việc đặt tên xã phường theo phương hướng chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. "Địa phương nên lấy ý kiến người dân hoặc cho anh em có chuyên môn ngồi lại thống nhất dữ liệu, những địa danh đi từ thời xa xưa đến giờ thì bà con vẫn chấp nhận được. 

Còn việc đặt tên như hiện nay là xem nhẹ truyền thống của cha ông ở vùng đất này. Nhìn tới nhìn lui xung quanh mình thì thấy các tỉnh thành họ đặt tên xã phường rất hay, nhưng tại sao chỉ có An Giang đặt tên xã phường theo hướng như vậy?", ông Láng nói thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Mừng, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết ngay cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang có nhiều anh em cũng không đồng tình khi đặt tên xã phường gắn với phương hướng. 

"Khi chúng tôi công bố tên các xã phường, phương án dự thảo đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và đặc biệt là ý kiến của các cô chú từng là lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang qua các thời kỳ. 

Tôi đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang trước các ý kiến, đề xuất chính đáng của cựu lãnh đạo tỉnh và bà con cử tri. Tuy nhiên đến giờ này, tôi chưa nhận được sự chỉ đạo mới nào của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên chưa dám thay đổi gì", ông Mừng nói.

Mỗi địa danh là một thương hiệu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng việc đặt tên xã phường bằng những tên gọi lịch sử nổi tiếng như Chợ Lớn, Gia Định… sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành du lịch TP.HCM.

TS Dương Đức Minh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - cho rằng sự khôi phục những cái tên làng xã gắn liền với ký ức lịch sử không đơn thuần là một hành động hành chính, mà là một cuộc cách mạng về tư duy và cảm thức văn hóa, là sự giao thoa giữa ký ức truyền thống và kỳ vọng phát triển.

Khai thác chiều sâu văn hóa

Theo ông Minh, ở góc độ kinh tế - du lịch, tên gọi còn đóng vai trò như một thương hiệu địa lý. Một cái tên giàu bản sắc, gợi nhớ tới truyền thống văn hóa lâu đời có thể trở thành điểm tựa để phát triển du lịch kể chuyện, du lịch văn hóa và các sản phẩm đặc thù. 

Khi du khách tìm về những cái tên như Ba Vát, Vĩnh Trị, An Đông..., họ không chỉ đến một vùng đất mà còn bước vào một dòng chảy văn hóa, một không gian mang trong mình linh hồn xứ sở. Việc chọn tên cũ vì thế không đơn thuần là sự hồi cố, mà là chiến lược định danh hiện đại, khôn ngoan và hiệu quả", ông Minh phân tích.

Ông Minh cũng gợi ý cần xây dựng bằng sự tham gia của cộng đồng trong việc thiết kế lại bản đồ tên gọi gắn với trải nghiệm du lịch; bằng việc kiến tạo các sản phẩm cụ thể làm sống lại tên cũ trong hình hài mới. 

Chẳng hạn tour "Ký ức Gia Định", không gian "Sài Gòn kể chuyện", tuyến điểm "Chợ Lớn không ngủ"... Có như vậy mới tạo nên sức hút mới bằng cách khai thác chiều sâu văn hóa cũ.

Giúp du khách nhận ra bản sắc đặc trưng

Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận việc sử dụng tên gọi truyền thống giàu bản sắc văn hóa và lịch sử như Chợ Lớn, Gia Định, Bà Điểm... khi đặt tên cho các xã, phường mới mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho phát triển du lịch.

Ông Hòa nói: "Các địa danh lịch sử này là thương hiệu du lịch đã được định vị sâu sắc trong nhận thức của du khách trong và ngoài nước. 

Thay vì những tên gọi khô khan theo số thứ tự, các tên gọi truyền thống tạo sự kết nối tự nhiên và thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình thuyết minh du lịch giàu cảm xúc, có chiều sâu văn hóa, giúp du khách dễ dàng liên hệ, hiểu rõ hơn về hành trình lịch sử và bản sắc đặc trưng của TP.HCM".

Ngoài ra, ông cũng đánh giá việc giữ lại và phát huy các tên gọi truyền thống giúp du khách dễ dàng kết nối địa danh với các câu chuyện lịch sử địa phương; thu hút khách du lịch, tăng cường sức cạnh tranh và nhận diện thương hiệu TP.HCM trên bản đồ du lịch quốc tế.