Lần đầu tiên ghi hình mực siêu khổng lồ dưới đáy sâu Nam Cực

Sau hơn một thế kỷ truy lùng, các nhà khoa học cuối cùng đã ghi được hình ảnh mực siêu khổng lồ (colossal squid) – sinh vật bí ẩn sống dưới đáy biển sâu Nam Cực. Đây là lần đầu tiên loài này được quan sát trực tiếp trong môi trường tự nhiên.
Khác với mực khổng lồ thông thường, mực siêu khổng lồ to lớn và hiếm gặp hơn nhiều. Chúng sống ở độ sâu hàng nghìn mét, và mãi đến năm 1925 giới khoa học mới phát hiện sự tồn tại của chúng, tuy nhiên cũng chỉ qua các xác trôi dạt hoặc mẫu vật trong dạ dày cá voi.
Đoạn phim công bố ngày 11.4 ghi lại hình ảnh một con mực non dài khoảng 30 cm, được camera từ tàu ngầm điều khiển từ xa SuBastian chụp ở độ sâu 600 mét gần quần đảo South Sandwich.
Ông Aaron Evans, chuyên gia về họ mực thủy tinh cho biết khi nhìn thấy chi tiết này, ông đã "thở gấp" vì phấn khích.
Mực siêu khổng lồ trưởng thành có thể dài 7 mét, nặng 500 kg, với đôi mắt to nhất trong giới động vật (kể cả loài đã tuyệt chủng). Các nhà khoa học cho rằng chính đôi mắt này giúp chúng phát hiện tàu ngầm từ xa và bỏ trốn.
Ông Evans giải thích: "Với chúng, bất cứ thứ gì lớn tiến đến đều là mối đe dọa". May mắn thay, con mực non trong video tỏ ra bình tĩnh, thậm chí tò mò quan sát thiết bị.