Lamine Yamal, biểu tượng hồi sinh của Barca và La Masia

Lamine Yamal là biểu tượng của một thế hệ tài năng mới, người giúp hồi sinh học viện La Masia và đưa Barca đến với những chiến thắng.
Hợp đồng lịch sử gợi nhớ Messi
Từ “tận hưởng” nổi bật trong bản nhận xét, được gạch chân là “chuyên gia chuyền bóng” và được đánh dấu là “không ích kỷ” – những nhận định hiếm thấy dành cho một cầu thủ lứa tuổi nhi đồng, và lại càng không thường thấy trong các báo cáo của tuyển trạch viên Isidre Gil, người nổi tiếng với chữ viết li ti, đầy chấm ghi chú, chính xác và khiêm tốn, một người quan sát thầm lặng và kín đáo, luôn gần sân cỏ và tránh xa ống kính, là học trò trung thành của huyền thoại Oriol Tort – người được đặt lấy tên đặt cho trung tâm đào tạo trẻ của Barcelona (học viện La Masia mới).
Ánh nhìn của Gil phát hiện ra một cậu bé 7 tuổi giỏi rê bóng ở La Torreta, người luôn đưa ra quyết định đúng đắn trên sân, có tên Lamine Yamal. Đánh giá của ông đã thúc đẩy hành động nhanh chóng từ đội ngũ kỹ thuật viên của hệ thống đào tạo trẻ Barca năm 2014.
Điều phối viên Oscar Hernandez hành động ngay sau khi xác nhận được tài năng của Lamine Yamal. Ông lập tức gửi email khẩn cấp đến Marc Serra (điều phối viên bóng đá 7 người tại La Masia), đồng thời thông báo cho giám đốc Albert Puig (sau được thay thế bởi Jordi Roura và Aureli Altimira).
Hernandez nhấn mạnh sự cấp bách trong việc tổ chức buổi thử việc và ký hợp đồng với cậu bé sinh năm 2007 này – khi đó đang tham gia chuyến du lịch về “quê hương của cha mẹ” ở Maroc và Guinea Xích đạo - trước khi thỏa thuận hợp tác giữa CF La Torreta và Espanyol được ký kết, điều có thể gây khó khăn lớn cho việc đưa Lamine về Barca.
Cậu bé nhanh chóng gia nhập đội bóng, và tài liệu ghi nhận việc chiêu mộ cậu ngày nay được xem như có giá trị tương đương với chiếc khăn giấy từng ký xác nhận hợp đồng của Lionel Messi năm 2000.
Mối liên kết Messi – Yamal được đánh dấu vào năm 2008: Leo bồng Lamine trong một buổi chụp hình từ thiện của nhật báo Sport và UNICEF.
Một bức ảnh mang tính biểu tượng do Joan Montfort chụp lại khoảnh khắc Messi tắm cho đứa trẻ 5 tháng tuổi sinh ra tại Esplugues de Llobregat. Đứa bé sau này sẽ trưởng thành trên đường phố Rocafonda của Mataro và thể hiện tài năng tại La Torreta.
Hành trình của Lamine thậm chí còn nhanh hơn cả Messi kể từ khi gia nhập Barca vào 2014, đặc biệt là sau giải La Liga Promises tại New York năm 2019. Barcelona thắng Real Madrid 6-1 trong trận chung kết – chiến thắng mang tính biểu tượng cho thế hệ 2007 đầy tham vọng với những cái tên như Lamine, Pau Cubarsi và Marc Bernal (được Hansi Flick tin dùng cho đến khi chấn thương nghỉ hết mùa).
Ba người này là những đại diện tiêu biểu cho lò đào tạo trẻ Barca, bên cạnh những tài năng khác như Marc Casado, Alejandro Balde và Fermin Lopez (sinh năm 2003); Gavi (2004); Hector Fort (2006); Eric Garcia, Dani Olmo và Ansu Fati (2002).
Có lẽ không CLB nào táo bạo và chuyên sâu trong khâu tuyển chọn – đào tạo như Barcelona. Nhiều trường hợp gia nhập La Masia từ 6-7 tuổi, bắt đầu với bóng đá 7 người và có thể ra mắt La Liga ở tuổi 15-16. Người mới nhất là Lamine Yamal, lá cờ đầu dưới thời Hansi Flick, bên cạnh Pedri, người được mang về từ Las Palmas năm 18 tuổi.
Không phải ngẫu nhiên mà họ trở thành thủ lĩnh đúng vào mùa giải Barca không có bản hợp đồng lớn nào ngoài Olmo. Cả hai đều là sản phẩm tiêu biểu của “bản giao hưởng” bóng đá được giảng dạy ở La Masia.
Nền móng từ Johan Cruyff
Các tuyển trạch viên luôn tìm kiếm những cầu thủ có sáng tạo, biết tạo ra lợi thế về quân số, xoay sở để giành không gian và thời gian bằng cú khống chế bóng khôn ngoan, phản xạ nhanh nhạy để tăng tốc độ luân chuyển bóng - những cầu thủ có gu bóng đá tinh tế, như từng được mô tả trong tài liệu của Phòng Phương pháp FC Barcelona.
Johan Cruyff vĩ đại là người đặt nền móng. Dù lò đào tạo trẻ luôn là giá trị cốt lõi của Barca, nhưng chỉ đến thời “Thánh Johan” đội trẻ mới trở thành nguồn cung chính thức cho đội một, cùng với bản sắc riêng.
Từ thời Rexach, Marti Filosia, Pujol và Fuste, đến những giai đoạn nổi bật như thời Dream Team của chính Cruyff với kỷ lục vô địch La Liga 4 mùa liên tiếp đầu thập kỷ 1990, hoặc “Quinta del Pelat”, đỉnh cao là năm 2011 khi 3 cầu thủ lọt vào top 3 Quả Bóng vàng đều đến từ La Masia: Messi, Andres Iniesta, Xavi. Người dàn dựng lễ hội đó chính là Pep Guardiola.
Ngày 25/11/2012, cố HLV Tito Vilanova thậm chí từng tung ra đội hình toàn cầu thủ trưởng thành từ La Masia khi gặp Levante: Valdes; Montoya, Pique, Puyol, Alba; Xavi, Busquets, Cesc Fabregas; Pedro, Messi, Iniesta. La Masia luôn là chính sách ổn định và đáng tin cậy hơn so với việc mua sắm – vốn nhiều lần thất bại kể từ sau sự ra đi của Figo, và nhất là Neymar.
|
Sự khủng hoảng kéo dài cho đến khi Barca hết tiền. Ronald Koeman và Xavi đặt niềm tin vào Pedri và Lamine Yamal, còn Flick xây dựng một đội bóng vô địch La Liga, Cúp Nhà vua, Siêu cúp Tây Ban Nha và lọt vào bán kết Champions League – lần đầu tiên sau 6 năm. “Chúng ta đang nói về một thế hệ có tinh thần cạnh tranh tập thể rất cao”, Albert Puig (giám đốc đào tạo trẻ từ 2010-2014) nhận định.
David Fernandez – chuyên gia tuyển trạch hiện làm việc cho Bayer Leverkusen – cho rằng điểm nổi bật của họ là “khả năng hiểu và đọc trận đấu một cách tập thể; họ ưu tiên tập thể hơn cá nhân”. Một nhận xét cho thấy Barca chính là môi trường lý tưởng để họ phát huy. “Họ tư duy vì đội bóng và có tinh thần chiến thắng”, Fernandez kết luận.
“Chúng là những đứa trẻ không có mặc cảm, đã tự tin bước vào phòng thay đồ”, Miquel Puig (giám đốc La Masia giai đoạn 2021-2023) chia sẻ. “Các cậu bé trưởng thành trong môi trường chuyên nghiệp, điều này khiến chúng tự tin và tái hiện lại trên sân những gì từng làm được 10 năm trước. Thách thức lớn nhất của bọn trẻ có lẽ nằm ở thế giới bên ngoài, đặc biệt là việc sử dụng mạng xã hội - thứ khiến chúng bị phơi bày nhiều hơn các thế hệ trước”, Puig nhấn mạnh.
Oscar Hernandez nhấn mạnh vào “tuổi trẻ và sự tự tin” của một thế hệ ra đời khi Barca tạm thi đấu tại Montjuic. Đích đến giờ không còn là Camp Nou như với thế hệ đầu tiên của La Masia tại Can Planes (1979), nơi nay bị vùi lấp bởi công trình xây dựng sân mới.
“Họ chơi không sợ hãi khi gặp Real Madrid, dù vừa bị loại khỏi Champions League. Họ nhanh chóng quên đi thất bại, thậm chí nghịch cảnh càng khiến họ thêm mạnh mẽ và sẵn sàng đối mặt với thách thức lớn hơn”, Hernandez chia sẻ.
“Những cậu bé này không cảm thấy áp lực”, các nhân viên tại trung tâm Joan Gamper xác nhận. Hầu hết các HLV đều kín tiếng, không ai muốn nhận là người phát hiện ra Yamal, điều không được ưa chuộng tại Barca. “Họ vận hành như một gia đình và cảm thấy mình là nhân vật chính trong sân khấu truyền hình mà sân cỏ hiện đại đã trở thành. Được huấn luyện từ nhỏ theo triết lý kiểm soát bóng, họ giờ đây thích nghi tốt với tốc độ cao mà Flick yêu cầu vì khao khát danh hiệu”, một HLV kỳ cựu của Barca nhận định.
Khát vọng của Barca lớn đến mức không màng đến đội B – hiện đang có nguy cơ xuống hạng – mà thay vào đó là từ đội Juvenil (dưới 19 tuổi), đội vừa có mùa giải xuất sắc với chức vô địch UEFA Youth League. “Một thế hệ tài năng nữa đang đến, ngay từ Cadete A (U16) đã có nhiều triển vọng”, các nguồn tin từ Barca tiết lộ.
“Một Lamine mới ư? Chúng ta sẽ sai lầm như khi tìm người thay thế Neymar hay Messi. Đó không phải là chính sách của bóng đá trẻ Barca”, Mikel Arteta từng nói. “La Masia là môi trường độc đáo nhất mà tôi từng thấy trong đời; cạnh tranh nhất, truyền cảm hứng nhất, và có lẽ cũng là chuyên nghiệp nhất, nơi tái hiện không khí đội một từ khi cầu thủ mới 14-15 tuổi”.
Lamine Yamal hiện 17 tuổi và vẫn tận hưởng bóng đá như ngày cậu 7 tuổi ở La Torreta hay 12 tuổi tại New York - trong trận thắng 6-1 Real Madrid 6-1.