Lạm phát 'làm khó' chính sách thuế của Tổng thống Trump

Sau một thời gian "kiềm chế", lạm phát của Mỹ đã bắt đầu tăng cao nên chính sách thuế nói riêng và chính sách kinh tế nói chung của Tổng thống nước này Donald Trump có thể gặp khó.
Hôm qua (16.7), AP dẫn số liệu mới công bố cho thấy tại Mỹ giá tiêu dùng tháng 6 vừa qua tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng này hồi tháng 5 là 2,4%. Trên cơ sở hằng tháng, giá tăng 0,3% từ tháng 5 đến tháng 6, dù tháng trước đó chỉ tăng 0,1%. Chi tiết hơn, chỉ từ tháng 5 đến tháng 6, giá xăng dầu tăng 1%, giá hàng tạp hóa tăng 0,3%.
Ảnh hưởng không thể tránh
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng "cốt lõi", bao gồm giá hàng hóa và dịch vụ nhưng không tính chi phí thực phẩm và năng lượng, trong tháng 6 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng hồi tháng 5 là 2,8%.
Giá cả nhiều loại thiết bị tiêu dùng tăng vọt trong tháng thứ ba liên tiếp. Đồ chơi, quần áo, thiết bị âm thanh, giày dép và đồ thể thao đều đắt hơn khi đây là nhóm hàng mà phần lớn được nhập khẩu. Giá cả thiết bị gia dụng trong tháng 6 đã tăng trung bình 1,9%, trong khi chỉ tăng 0,7% vào tháng 4 và 0,6% trong tháng 5. Đây là mức tăng hằng tháng cao nhất đối với thiết bị gia dụng kể từ tháng 8.2020 khi nhiều người Mỹ tăng mua hàng gia dụng do phải ở nhà trong đại dịch Covid-19.
Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Trump đã mở rộng mức thuế đến 50% cho thép và nhôm đối với "các sản phẩm phái sinh", bao gồm các thiết bị tiêu dùng như máy sấy, máy giặt, tủ lạnh, lò nướng và xử lý rác.
Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Trump công bố chính sách thuế đối ứng khiến giới phân tích lo ngại vật giá sẽ leo thang do nhiều mặt hàng tiêu dùng của Mỹ vẫn lệ thuộc vào nước ngoài, nên nếu thuế tăng lên sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên.
Thế nhưng, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức cho đến tháng 5 vừa qua, lạm phát vẫn không tăng cao. Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng các nhà bán lẻ đã nhập khẩu hàng hóa dự trữ và thời gian qua phần lớn mức thuế bị tạm ngưng áp dụng nên chưa thấy được tác động thực sự đối với hàng hóa trên thị trường. Đến tháng 6, khi các công ty bắt đầu chuyển chi phí hàng hóa nhập khẩu cao hơn liên quan đến thuế quan. Và thực tế thì điều này đã xảy ra theo số liệu vừa được công bố.
Tác động không nhỏ
Với kết quả trên, chính sách thuế của Tổng thống Trump chắc chắn gặp cản lực không nhỏ từ dư luận. Bởi dự kiến đến ngày 1.8 Mỹ mới chính thức áp thuế đầy đủ theo các thỏa thuận vừa đạt được với các nước. Hầu hết mức thuế áp dụng sắp tới đều dự kiến cao hơn mức nền 10% mà Mỹ áp dụng từ tháng 4 đến nay trong khi tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng theo công bố ngày 2.4, để các nước có thời gian đàm phán.
Không chỉ gây tác động đến chính sách thuế mà chính sách kinh tế tổng thể của ông Trump cũng gặp khó. Thời gian qua, chủ nhân Nhà Trắng liên tục chỉ trích Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vì không hạ lãi suất. Tổng thống Trump còn kêu gọi ông Powell từ chức và cho rằng Fed cắt giảm lãi suất chỉ vì "trò chơi chính trị" của ông Powell.
Đáp trả lại, Chủ tịch Fed lại khẳng định lạm phát vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với kinh tế Mỹ, nên chưa thể giảm lãi suất điều hành vì lo ngại giá tiêu dùng tăng cao. Trong kỳ họp mới đây, hầu hết thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), được hiểu như hội đồng điều hành chính sách của Fed, đều đồng thuận về rủi ro lạm phát.
Chính vì thế, khi lạm phát tăng cao theo như số liệu mới nhất, thì Fed càng có lý do tiếp tục chưa cắt giảm lãi suất điều hành. Trong khi đó, nếu lãi suất điều hành không giảm thì kinh tế Mỹ khó tăng trưởng như mong muốn của Tổng thống Trump. Trong báo cáo vừa gửi đến Thanh Niên, Công ty phân tích Moody's dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2025 và 2026 đều chỉ khiêm tốn ở mức dưới 1,5%, thấp hơn nhiều so với mức 2,8% đạt được hồi năm 2024.