Làm thế nào để các trí thức trẻ về hoặc đóng góp từ xa cho đất nước?

Tại buổi gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các trí thức trẻ đã chia sẻ những khó khăn và kiến nghị các giải pháp xóa rào cản trong việc phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6, diễn ra sáng nay 19.7 ởHà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã gặp gỡ 72 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam về từ nước ngoài. Cùng dự có anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Tư duy chính sách về trí thức trẻ đang thay đổi
Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ sự xúc động khi tham dự một diễn đàn quy tụ những con người mang khát vọng cống hiến. Bà nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột phát triển, vai trò của trí thức trẻ càng trở nên thiết yếu. "Làm thế nào để các trí thức trẻ về hoặc đóng góp từ xa cho đất nước?", bà Hằng đặt câu hỏi.
Không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận, bà Hằng nhấn mạnh những chính sách đột phá để hiện thực hóa mong muốn đóng góp từ xa hoặc trực tiếp của kiều bào. Một trong những điểm nhấn là việc sửa đổi luật Quốc tịch, mở rộng quyền song tịch và đơn giản hóa thủ tục về nước. "Tư duy chính sách đang thay đổi, không chỉ khuyến khích "trở về", mà còn tạo cơ chế để đóng góp từ xa", bà Hằng khẳng định.
Song song với khung pháp lý, Thứ trưởng Hằng cũng chỉ rõ 2 yếu tố quan trọng khác: cải thiện môi trường nghiên cứu trong nước và cơ chế "đặt hàng" cụ thể cho trí thức giải bài toán thực tiễn của đất nước. Từ các chương trình đào tạo nhân lực AI cho đến chiến lược phát triển 100 chuyên gia ưu tú, Chính phủ đã thể hiện cam kết hành động rõ ràng để biến tri thức thành nguồn lực phát triển thực chất.
Tháo gỡ rào cản để trí thức trẻ toàn cầu cống hiến hiệu quả
Các trí thức trẻ đã chia sẻ và kiến nghị thực tế nhằm giải quyết các rào cản trong việc phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam. TS Đinh Hùng Cường, công tác tại Nhật Bản, chỉ ra một điểm nghẽn lớn: quy trình cấp bằng sáng chế kéo dài 3 - 4 năm tại Việt Nam.
"Nhiều sáng chế trở nên lỗi thời khi chưa kịp được cấp bằng", TS Cường nói, đồng thời đề xuất một cơ chế đặc biệt rút ngắn thời gian xử lý với các sáng kiến chiến lược.
TS Cường cũng đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung cấp tỉnh, mở cửa cho cả người dân có ý tưởng sáng tạo. Mô hình này sẽ tiết kiệm đầu tư thiết bị dàn trải và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng khắp.
Trong khi đó, anh Đỗ Đức Tôn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Kazakhstan, nói về 2 rào cản mang tính hệ thống trong hợp tác nghiên cứu. Thứ nhất là vai trò chủ trì dự án bị giới hạn: chuyên gia nước ngoài muốn triển khai nghiên cứu tại Việt Nam nhưng không được đứng tên chủ nhiệm vì thiếu cơ quan chủ quản.
Thứ hai là thủ tục hành chính rườm rà: "Ngay cả việc đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, tôi cũng bị yêu cầu nộp CV có dấu xác nhận của cơ quan Việt Nam - điều gần như bất khả thi nếu đang làm việc ở nước ngoài".
Một số đại biểu cũng kiến nghị công nhận danh hiệu PGS, GS được phong ở nước ngoài khi về nước, thay vì bắt buộc làm lại thủ tục từ đầu, tránh lãng phí thời gian và làm nản lòng người muốn cống hiến.
Khơi thông nguồn tri thức
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm đã tổng kết các ý kiến và nhấn mạnh 2 vấn đề cốt lõi, xác định thách thức chính là làm sao "khơi thông nguồn trí thức" của Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.
Anh Lâm cho rằng, cần đưa ra những "bài toán" và "đặt hàng" cụ thể cho cộng đồng trí thức. Mặt khác, cần có một kênh hiệu quả để các trí thức trẻ, đặc biệt là những người ở nước ngoài, có thể tiếp nhận những yêu cầu này và đóng góp giải pháp của mình.
Anh Lâm khẳng định, T.Ư Đoàn và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ đóng vai trò là cầu nối trung gian trong quá trình này, chuyển tải các đề bài đến với các chuyên gia và tạo điều kiện để họ phát huy trí tuệ, thậm chí thông qua việc tham gia đấu thầu thực hiện các đề tài nghiên cứu.