Nhảy đến nội dung
 

Làm giá đỗ rất dễ, sao phải ngâm hóa chất?

Người Việt vốn thích ăn giá đỗ vì tính mát. Nhưng cũng chính vì sự phổ biến ấy, nó trở thành mục tiêu cho nhiều người làm ăn gian dối.

Vụ việc vừa được phát hiện ở Nghệ An, một cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ sử dụng "nước kẹo" (hóa chất kích thích) để tưới, giúp giá mập, trắng, ngắn rễ, không phải lần đầu và chắc chắn không phải lần cuối.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải dùng hóa chất khi làm giá đỗ vốn cực kỳ đơn giản?

Tôi từng làm thử giá đỗ trong mùa dịch Covid-19, khi không thể đi chợ mua rau. Chỉ cần một nắm đỗ xanh, rổ nhựa và chiếc khăn ẩm, sau vài ngày là có giá ăn tươi, ngọt lành. Sau này, tiện hơn thì mua thêm máy ủ giá, cũng chẳng tốn công bao nhiêu. Vậy thì tại sao có người lại chọn cách tưới hóa chất?

Câu trả lời nằm ở lợi nhuận. Hóa chất giúp giá to, trắng, giòn, mập - nhìn đẹp mắt và hấp dẫn hơn hẳn giá làm theo cách truyền thống. Mỗi mẻ giá thẩm mỹ cao như vậy sẽ bán được giá tốt, dễ tiêu thụ, nhất là ở các chợ đầu mối hay quán ăn. Thời gian ủ cũng nhanh hơn, năng suất cao hơn.

Chúng ta quá tin vào vẻ ngoài của thực phẩm. Rau phải xanh mướt, củ phải bóng loáng, giá đỗ phải trắng, to, không rễ mới "đẹp". Cái đẹp ấy vô tình tiếp tay cho người sản xuất dùng đến các biện pháp bẩn để can thiệp.

Giá đỗ sạch theo cách truyền thống, thường nhỏ, nhiều rễ, có màu hơi ngà - nhưng lại bị chê là xấu, là héo, không bắt mắt. Tâm lý chuộng hình thức đôi khi khiến người tiêu dùng tự đẩy mình về phía rủi ro.

Việc để cho một món ăn thân quen trở thành nỗi sợ hóa chất là điều không thể chấp nhận. Người làm ăn tử tế thì cần được bảo vệ, người làm gian dối phải bị loại khỏi thị trường và trừng phạt.

Trần Long