Làm chủ cung đường xa dịp nghỉ lễ với những mẹo lái xe từ những "tài già"

(Dân trí) - Lái xe đường dài rất khác so với đi lại trong nội thành, bởi vậy trang bị cho bản thân những mẹo, kỹ năng liên quan sẽ giúp hành trình của tài xế trở nên nhẹ nhàng hơn.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm là dịp để mọi người tận hưởng thời gian nghỉ ngơi sau chuỗi ngày học tập, làm việc căng thẳng. Trong đó, nhiều gia đình chọn phương án tự lái xe thay vì sử dụng dịch vụ vận tải. Bên cạnh việc chuẩn bị hành trang cho chuyến đi, tài xế cũng nên lưu ý những vấn đề sau nhằm đảm bảo an toàn xuyên suốt chuyến đi.
Trước khi thực hiện hành trình
Kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ xe
Để đảm bảo phương tiện có thể vận hành mượt mà trong thời gian dài, tài xế cần kiểm tra kỹ lưỡng xe. Những yếu tố cần lưu ý gồm: hệ thống phanh, lốp xe, dầu máy, dầu phanh, nước làm mát, đèn chiếu sáng và tín hiệu…
Ngoài ra, tài xế cũng nên trang bị các dụng cụ cần thiết như bình chữa cháy, bộ sơ cứu y tế, đèn pin, bộ đồ nghề sửa chữa và lốp dự phòng để có thể tự xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
Trang bị đầy đủ kiến thức về luật, văn hóa lái xe
Không ít tài xế dù có bằng nhưng chưa thực sự nắm vững về luật cũng như văn hóa lái xe, nên có thể đưa bản thân cũng như gia đình vào tình huống nguy hiểm. Hiểu rõ các loại vạch kẻ đường, biển báo, biển chỉ dẫn giúp cho người điều khiển có thể chủ động xử lý tình huống.
Khi chạy trên cao tốc, quốc lộ, các kỹ năng vượt xe, tránh xe ngược chiều đang vượt và nhường đường cho xe xin vượt cần được thực hiện nhuần nhuyễn nhằm tránh các va chạm, tai nạn không đáng có.
Khi muốn vượt, cần quan sát kỹ gương chiếu hậu để xem xe đi sau có ý định vượt hay không. Khi cảm thấy đủ an toàn, bật xi-nhan đồng thời bấm còi/nháy pha để thông báo cho các phương tiện khác. Tránh vượt xe ở những đoạn đường cong, khu vực tầm nhìn bị hạn chế hay mất tầm nhìn.
Trong trường hợp phát hiện xe ngược chiều đang vượt, hãy chủ động nhường đường. Tài xế nên giảm tốc độ, quan sát gương trước khi chuyển làn. Tuyệt đối không chèn ép xe đang vượt ở phía đối diện bởi rất dễ gây ra tai nạn liên hoàn.
Khi lái xe đường dài, rất dễ gặp trường hợp có phương tiện phía sau xin vượt. Sau khi đảm bảo đủ khoảng cách an toàn, tài xế nên chủ động nhường đường bằng cách giảm tốc, bật xi-nhan phải để báo hiệu. Trường hợp chưa đủ an toàn hoặc có xe ngược chiều đang đi đến, hãy bật xi-nhan trái để cảnh báo phương tiện phía sau.
Một vài lưu ý khác như không phanh gấp, không chuyển làn đột ngột. Giữ khoảng cách tối thiểu cũng rất quan trọng khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông cũng cần được lưu ý, hãy di chuyển với một tâm thế sẵn sàng nhường nhịn cũng như thấu hiểu cho những người tham gia giao thông khác.
Lên kế hoạch lộ trình và thời gian di chuyển hợp lý
Hãy nghiên cứu thật kỹ lộ trình để chọn ra tuyến đường thuận tiện nhất. Đôi khi chấp nhận đi cung đường xa hơn một chút nhưng thuận lợi lại là lựa chọn đáng để đánh đổi. Các bác tài cũng có thể cân nhắc khởi hành sớm vào các khung thời gian sáng sớm hoặc tối muộn hay thậm chí trước kỳ nghỉ lễ một ngày khi mật độ giao thông thưa hơn.
Tài xế có thể thiết lập chỉ dẫn cung đường bản thân muốn đi bằng cách ứng dụng bản đồ như Google Maps, Apple Maps hay Waze có chức năng cảnh báo tình trạng giao thông theo thời gian thực. Những gợi ý từ phần mềm trên có thể giúp bạn chọn đường đi hợp lý, tránh điểm tắc nghẽn hoặc đường đang thi công.
Trong quá trình lái xe
Tư thế lái xe, vị trí ngồi
Trong quá trình lái xe, tư thế lái ảnh hưởng không nhỏ đến sức bền khi đi đường dài. Tài xế cần có một tư thế lái phù hợp nhất với thể trạng bản thân, khoảng cách từ chân đến bàn đạp ga, phanh, khoảng cách từ tay đến vô lăng hay các nút bấm cần phải thuận tiện nhất.
Có thể cân nhắc trang bị gối tựa đầu để không bị đau nhức cổ sau chuyến đi dài hay sử dụng tính năng mát-xa nếu xe có trang bị.
Sắp xếp chỗ ngồi cho các thành viên khác cũng cần được lưu ý, người dễ say xe nên được ngồi hàng đầu, trẻ nhỏ nên có người trông nom nhằm tránh tình trạng phát sinh các tình huống xấu.
Thời gian, khoảng cách nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi cũng là yếu tố nên được cân nhắc nếu quãng đường di chuyển quá xa. Tài xế có thể thiết lập khoảng nghỉ: sau khoảng 2-3 tiếng lái xe nên dừng chân nghỉ ngơi 10-15 phút để giảm mệt mỏi, lấy lại sự tỉnh táo bằng cách bổ sung nước hay đồ ăn nhẹ. Đặc biệt, tài xế khi cảm thấy không khỏe trong người tuyệt đối không nên cố cầm lái mà hãy dừng lại nghỉ ngơi.
Giữ tỉnh táo, tâm trạng thoải mái
Nhiều tài xế ngại đi xa bởi mức độ mệt mỏi mà hành trình mang lại, tuy nhiên có nhiều cách để giảm thiểu phần nào tình trạng. Tài xế cũng như các thành viên khác có thể tích cực trò chuyện, trao đổi hay thậm chí nghe những bài nhạc sôi động nhằm thay đổi bầu không khí, giúp cho tài xế đỡ căng thẳng, tỉnh táo hơn. Người điều khiển cũng có thể nhai kẹo cao su, uống cà phê nhằm tăng độ tỉnh táo.
Một mẹo quan trọng mà tài xế có thể áp dụng để tránh tình trạng uể oải, buồn ngủ là hạ cửa kính hoặc lấy điều hòa gió ngoài. Không khí được lưu thông tốt khiến người ngồi trong xe không bị "bí" khi đóng kín cửa sau một thời gian dài.
Sử dụng ADAS
Nhiều mẫu xe đời mới sở hữu công nghệ hỗ trợ người lái (ADAS) nhằm giúp việc lái xe trở nên thuận tiện hơn. Các công nghệ như hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control), hỗ trợ giữ làn, camera 360… xuất hiện trên nhiều mẫu xe từ bình dân đến cao cấp, giải tỏa phần nào áp lực cho tài xế. Nhưng đừng quên rằng đây chỉ là công nghệ hỗ trợ nên tài xế luôn cần tập trung, giữ quyền kiểm soát cao nhất đối với chiếc xe.
Chúc các bạn lái xe an toàn!