Lái xe trên cao tốc, người đàn ông bị ô tô khác đâm thiệt hại 464 triệu đồng, công ty bảo hiểm tuyên bố: “Không thể bồi thường vì 2 người là cha con"

Bức xúc với lý do từ chối bồi thường của bên bảo hiểm, người đàn ông Trung Quốc đã quyết định nộp đơn kiện lên tòa án địa phương.
Tháng 10/2020 người đàn ông họ Lý tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đang điều khiển ô tô (xe B) di chuyển trên cao tốc thì bất ngờ bị một chiếc xe (xe A) tông mạnh từ phía sau. Vụ tai nạn còn liên quan đến hai phương tiện khác đang lưu thông phía trước. Lực lượng cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường đã xác định lỗi hoàn toàn thuộc về người con - tài xế xe A. Tai nạn khiến cả 4 xe liên quan đều bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau.
Đáng chú ý, cả hai chiếc xe A và B đều do ông Lý đứng tên và đã mua đầy đủ cả bảo hiểm bắt buộc lẫn bảo hiểm thương mại (bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện đối với bên thứ ba). Sau vụ tai nạn, công ty bảo hiểm đã nhanh chóng hoàn tất việc bồi thường cho 2 xe của người lạ bị ảnh hưởng, nhưng khi đến phần xe B của ông Lý, chiếc bị chính con trai ông tông vào, thì lập tức thay đổi thái độ. Công ty đưa ra các điều khoản miễn trừ trách nhiệm và từ chối chi trả.
Đại diện bảo hiểm khẳng định, hợp đồng bảo hiểm thương mại đã quy định rõ: công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tài sản thuộc sở hữu hoặc do thành viên gia đình của người được bảo hiểm quản lý. Họ cho rằng việc ông Lý và con trai cùng trong một gia đình, cả 2 xe đều thuộc sở hữu của ông Lý, khiến tổn thất đối với xe B không thuộc phạm vi trách nhiệm chi trả theo hợp đồng. Họ cũng khẳng định đã thông báo đầy đủ về điều khoản miễn trừ ngay từ lúc ký kết.
Bức xúc trước lý lẽ này, ông Lý phản ứng gay gắt và khẳng định rằng ông đã đóng phí đầy đủ cho cả hai xe trong nhiều năm liền, hoàn toàn không có hành vi gian dối hay trục lợi. Ông cho rằng việc xe của mình bị tai nạn là hoàn toàn khách quan, công ty bảo hiểm không thể viện cớ quan hệ gia đình để trốn tránh nghĩa vụ. Sau nhiều lần thương lượng không thành, ông đã quyết định khởi kiện công ty bảo hiểm và cả con trai ra tòa, yêu cầu bồi thường đầy đủ phần thiệt hại của chiếc xe B.
Tại phiên xét xử, Tòa án nhân dân huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam nhận định rằng trong xã hội hiện đại, việc một người sở hữu nhiều phương tiện giao thông và để các thành viên khác nhau trong gia đình sử dụng là chuyện hết sức phổ biến. Tòa khẳng định bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình bảo hiểm chuyển giao rủi ro cho người điều khiển phương tiện, không phải chỉ cho chủ sở hữu xe. Đồng thời, mỗi hợp đồng bảo hiểm thương mại là một quan hệ pháp lý độc lập, áp dụng nguyên tắc “một xe – một bảo hiểm”. Do đó, dù hai chiếc xe có cùng chủ sở hữu, nhưng nếu một xe gây hại cho xe còn lại thì vẫn phải bồi thường như hai bên độc lập.
Tòa cũng xem xét kỹ điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng và cho rằng, điều khoản này ra đời nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm, tránh việc cố tình gây ra tai nạn để nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, trong vụ việc này không hề có bằng chứng cho thấy ông Lý và con trai cố tình dàn dựng vụ va chạm. Việc từ chối bồi thường trong hoàn cảnh này là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm.
Từ các phân tích pháp lý và thực tiễn, Tòa án tuyên bố công ty bảo hiểm phải chi trả hơn 150.000 NDT (khoảng 464 triệu đồng) cho ông Lý. Phán quyết ngay lập tức thu hút sự chú ý lớn của dư luận Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình, cho rằng công ty bảo hiểm đã cố tình lạm dụng điều khoản bất lợi để né tránh trách nhiệm, trong khi người dân vẫn đều đặn đóng phí mỗi năm. Vụ việc đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các chủ phương tiện về tầm quan trọng của việc hiểu rõ nội dung hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản miễn trừ trách nhiệm.
(Theo Toutiao)