Nhảy đến nội dung
 

Lại tranh cãi chuyện mẹ không đóng quỹ, con không được ăn liên hoan

“Nhà phụ huynh kia không phải hộ nghèo, thuộc dạng trung bình khá, nhưng không năm nào đóng tiền liên hoan cuối năm cho con”.

Đó là những dòng chia sẻ của một tài khoản tự nhận là giáo viên, đăng tải trên mạng xã hội trong những ngày gần đây để tìm lời khuyên.

Cô giáo viên cho biết bốn năm liên tục, một phụ huynh không đóng tiền liên hoan cuối năm cho con, với số tiền là 50.000 đồng.

Cô đã nhiều lần trao đổi riêng với phụ huynh nhưng không nhận phản hồi. Năm nay, các phụ huynh trong lớp thảo luận về vấn đề này, cho rằng “đã cõng con họ 4 năm, năm nay ai đóng tiền thì mới ăn”, “không cõng nhà họ mãi được”.

Bài viết nói trên nhanh chóng nhận về nhiều lượt tương tác với hàng trăm bình luận. Nhiều người đồng tình với ý kiến của ban phụ huynh trong câu chuyện, cho rằng “cần công bằng. Phụ huynh đóng tiền thì con ở lại liên hoan. Không đóng thì đúng giờ, phụ huynh đến đón con về”.

phu huynh dong tien anh 1

Bài chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội.

Phụ huynh muốn công bằng

Chia sẻ với Tri Thức - Znews góc nhìn về câu chuyện trên, chị Phạm Nhi (phụ huynh tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng một gia đình không đóng tiền liên hoan trong 4 năm liên tục, dù chỉ 50.000 đồng và gia đình không thuộc diện khó khăn, là không công bằng với những phụ huynh đã đóng góp đều đặn.

Vì vậy, các phụ huynh khó chịu là điều dễ hiểu, nhất là khi gia đình kia không phản hồi khi được giáo viên chủ nhiệm liên lạc riêng, cũng không đưa ra lý do cụ thể cho việc không đóng tiền trong nhiều năm.

“Tôi cho rằng sự im lặng này phản ánh phụ huynh kia thiếu tôn trọng tập thể và không có tinh thần hợp tác. Nếu họ khó khăn thật, cứ nói ra để mọi người cùng chia sẻ. Nhưng không nói gì mà cứ để con tham gia, tôi thấy không thỏa đáng, không công bằng với các phụ huynh khác”, chị Nhi nhìn nhận.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thu (phụ huynh tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị cũng từng gặp trường hợp tương tự câu chuyện trên. Ở lớp con chị, quỹ phụ huynh không nhiều và chi tiêu rất tiết kiệm, chủ yếu dành cho hoạt động của các con. Mỗi lần tổ chức liên hoan cho các con cũng rất nhẹ nhàng, chỉ bánh kẹo ngọt.

“Một số phụ huynh không đóng quỹ này, dù không phải trường hợp khó khăn, thậm chí thuộc dạng khá giả”, chị Thu kể mỗi lần ban phụ huynh đề xuất thu quỹ, họ cũng không ý kiến hay phản đối, nhưng lại chây ì việc đóng góp. Vì là khoản đóng góp tự nguyện, ban phụ huynh cũng không ép họ.

Nhưng điều này cũng khiến chị hay những phụ huynh đã đóng tiền cảm thấy bất công, vì tiền quỹ đều dùng cho hoạt động chung. Song, dù khó chịu với những trường hợp này, chị Thu lại không ủng hộ quan điểm “phụ huynh nào đóng tiền thì con mới được ăn liên hoan”.

Ở lớp con chị, mọi học sinh đều được tham gia mọi hoạt động chung có sử dụng quỹ, không em nào phải đi về vì bố mẹ không đóng tiền.

“Số tiền cũng không đáng bao nhiêu, nếu các con bị gạt ra sẽ rất tội, mang cảm giác bị phân biệt, cô lập”, chị Thu chia sẻ.

Trong khi đó, chị Thu Trang (phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng về nguyên tắc, đúng là “ai ăn thì đóng tiền, không đóng thì không được ăn”.

Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, liên quan trực tiếp đến trẻ em, xử lý không khéo sẽ dễ bị phản ứng.

Quan điểm của chị Trang là ban phụ huynh cần trao đổi với phụ huynh không đóng tiền để tìm ra phương án tốt nhất, thay vì bàn tán sau lưng họ. Bởi biết đâu, họ có lý do riêng.

“Nếu cuối năm phải đóng thêm tiền để tổ chức liên hoan cho trẻ, tôi sẽ gọi điện hoặc nhắn tin riêng cho phụ huynh đó với giọng vui vẻ, hào hứng rủ cùng tham gia tổ chức liên hoan cho con. Tôi nghĩ bằng sự chân thành, chia sẻ tất cả vì các con, phụ huynh sẽ đóng góp ý kiến và sẵn sàng đóng tiền cho con”, chị Trang nói.

phu huynh dong tien anh 2

Các giáo viên và nhiều phụ huynh cho rằng không nên vì chuyện tiền bạc mà để ảnh hưởng tới trẻ. Ảnh minh họa: Pexels.

Giáo viên cũng khó xử

Tháng 5/2024, vụ việc "học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ" xảy ra tại một trường tiểu học ở Hải Dương đã gây xôn xao dư luận.

Có thể thấy, cứ mỗi cuối năm học, câu chuyện thu chi quỹ lại nóng trong các nhóm phụ huynh.

Tưởng chừng chỉ là những khoản đóng góp nhỏ, nhưng chúng lại thường xuyên châm ngòi cho những cuộc tranh cãi không hồi kết, đẩy mối quan hệ giữa các bậc phụ huynh vào thế căng thẳng, còn giáo viên thì rơi vào thế khó xử.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô Trần Thủy (giáo viên tiểu học ở Hà Nội) cho rằng nếu rơi vào trường hợp này, cô sẽ rất khó xử. Và chắc hẳn giáo viên trong câu chuyện cũng có cảm xúc tương tự, thậm chí là áp lực khi là người đứng giữa các phụ huynh.

“Chúng tôi vừa muốn đảm bảo hoạt động diễn ra vui vẻ, vừa phải quan tâm đến tâm lý học sinh và sự công bằng”, cô giáo nói.

Theo cô, khó xử nhất là khi phải cân bằng giữa mong muốn của đa số phụ huynh với tình huống thực tế của một số em học sinh. Nếu không xử lý khéo léo, mối quan hệ giữa các phụ huynh và giữa phụ huynh với giáo viên dễ rạn nứt, mất đi sự tin tưởng và hợp tác trong giáo dục.

Cô Thủy nhận định việc một gia đình không đóng tiền dù có điều kiện có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Có thể là họ quên, không cập nhận được thông tin đầy đủ, hoặc có quan điểm riêng về các khoản thu ngoài chương trình.

Song, cô không đồng tình với quan điểm "mẹ nào không đóng tiền thì con không được tham gia", bởi đó cũng là một phần trách nhiệm của phụ huynh, trong khi trẻ em không có lỗi.

Nếu các phụ huynh làm như vậy, học sinh sẽ rất ảnh hưởng, nhất là ở độ tuổi nhỏ như tiểu học.

“Một học sinh không được tham gia vì vấn đề tiền bạc có thể cảm thấy bị loại ra, buồn tủi hoặc xấu hổ. Trong khi đó, các em khác có thể vô tình hoặc cố ý hỏi han, gây thêm tổn thương”, cô Thủy nhìn nhận việc này dễ tạo ra sự phân biệt trong lớp, đi ngược lại tinh thần giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và xây dựng môi trường học đường thân thiện.

Đặt mình là giáo viên trong trường hợp này, theo kinh nghiệm cá nhân, cô Trần Thủy cho rằng giáo viên không nên nhắc học sinh về chuyện đóng tiền, mà sẽ hỗ trợ ban phụ huynh trao đổi riêng với gia đình đó. Cô cũng sẽ đề xuất phương án tổ chức liên hoan sao cho tiết kiệm, tránh gây áp lực.

Trong trường hợp một vài em không thể đóng góp, cô sẽ đề nghị phụ huynh có điều kiện hỗ trợ thêm một phần để tất cả học sinh đều được tham gia đầy đủ, vui vẻ, không ai bị bỏ lại phía sau

“Mục tiêu cuối cùng là niềm vui và sự phát triển toàn diện của các em, chứ không phải là số tiền 50.000 đồng”, cô Thủy nói.

Trong khi đó, cô Nguyễn Trang (giáo viên tiểu học ở Bắc Ninh) bổ sung thêm rằng giáo viên là người đứng giữa, cần tìm hiểu thêm về lý do phụ huynh không đóng tiền để nắm bắt tâm tư.

Đóng quỹ hay liên hoan không phải là hoạt động bắt buộc, nên phụ huynh có thể không đăng ký hay đóng góp cho con. Tuy nhiên, môi trường học đường đề cao tính tập thể, sự sẻ chia, đoàn kết.

Nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mọi người đều thông cảm và hỗ trợ. Nhưng ở trường hợp gia đình trung bình khá, 50.000 đồng không phải số tiền quá lớn, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho con tham gia để tăng sự gắn kết, tránh để trẻ ảnh hưởng.

Song song với đó, giáo viên cần xoa dịu các phụ huynh còn lại. Nếu các phụ huynh hay giáo viên gay gắt về vấn đề này, chính học sinh có thể thấy mặt tiêu cực đó và học theo.

Cô Trang cho rằng đừng vì số tiền nhỏ mà gạt một đứa trẻ ra bên lề. Những em này lại là đối tượng cần bao dung hơn, bởi các em hoàn toàn không có lỗi và không muốn như vậy.

“Nếu sự việc giữa các phụ huynh không thể giải quyết, bản thân tôi sẽ trích tiền riêng của mình để dành tặng em đó, như một món quà động viên tinh thần”, cô Trang chia sẻ.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn