Lách luật' dạy thêm bằng AI

![]() |
Dịch vụ phòng học AI nở rộ ở Trung Quốc, được đánh giá là rẻ, hiệu quả hơn dạy thêm truyền thống. Ảnh: Global Times. |
Sau khi kết thúc buổi học ở trường, Zhang (12 tuổi), học sinh ở Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đến một phòng học trí tuệ nhân tạo tại địa phương, mục đích là sử dụng phương pháp học tập mới này để nâng cao thành tích cho bản thân.
“Ở đây yên tĩnh, môi trường học tập tốt, rất hữu ích trong việc củng cố kiến thức cho em", Zhang chia sẻ.
Phòng học AI nở rộ
Tại Trung Quốc, phòng học AI là xu hướng mới rộ lên trong thời gian gần đây. So với các phòng tự học truyền thống, phòng tự học AI cung cấp một máy tính bảng cho mỗi bàn học. Máy tính bảng này đảm nhận việc giảng dạy và luyện tập cho từng học sinh.
Khi tham gia phòng học này, học sinh sử dụng thiết bị để học các khóa học trực tuyến và làm bài tập, trong khi các giám sát viên tận dụng AI để phát hiện lỗ hổng kiến thức và xây dựng kế hoạch học tập cá nhân hóa. Các phòng học cũng cung cấp báo cáo học tập theo thời gian thực để phụ huynh theo dõi tiến độ của con mình.
Phòng học AI mà Zhang đăng ký có nhiều thiết bị học tập phục vụ cho việc tự học, mỗi thiết bị đều được cài đặt phần mềm giáo dục ứng dụng AI.
“Lợi thế chính của những thiết bị học tập này là AI, cho phép xác định chính xác điểm yếu của học sinh và đưa ra hỗ trợ phù hợp để lấp đầy khoảng trống kiến thức", Cheng Lele, giáo viên giám sát tại một phòng học AI ở Trịnh Châu, nói với China Daily.
Hầu hết phòng học AI ở Trung Quốc đều có giáo viên giám sát như cô Cheng. Công việc chính của họ là hướng dẫn học sinh, liên lạc với phụ huynh, giúp trẻ xây dựng kế hoạch học tập nhằm thúc đẩy thói quen học độc lập và khả năng tự tiếp thu kiến thức.
“Tại các phòng học AI, học sinh không chỉ học trực tuyến, giải bài tập mà còn nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ những giáo viên giám sát như chúng tôi", cô Cheng thông tin.
Tiện lợi, hiệu quả, tránh được lệnh cấm dạy thêm, những phòng học AI này ngày càng phổ biến trên khắp Trung Quốc, từ thủ đô Bắc Kinh cho đến những địa phương lân cận như Hà Nam, Hà Bắc. Những cơ sở này được phụ huynh đánh giá cao nhờ khả năng cung cấp trải nghiệm học tập cá nhân hóa và khuyến khích học sinh tự học.
Bà Wang, một phụ huynh cho con tham gia phòng học AI, cho biết con bà từng học online và học trực tiếp ở trung tâm, nhưng không mấy khả quan. Nhưng kể từ khi sử dụng phòng học thông minh, thói quen học tập của con bà được cải thiện đáng kể, bà cũng có thể theo dõi tiến độ học tập của con qua điện thoại.
![]() |
Ở phòng học AI, mỗi học sinh được trang bị máy tính bảng và có giáo viên giám sát. Ảnh: Sixth Tone. |
Chỉ là dạy thêm trá hình
Dù được phụ huynh, học sinh đón nhận, mô hình này vẫn gây ra ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng đây chỉ là chiêu trò, vì họ cảm thấy các thiết bị học tập trong phòng chưa thật sự là AI. Tuy nhiên, cũng có người nhấn mạnh lợi ích của AI trong việc nâng cao hiệu quả học tập, chất lượng và bình đẳng trong phân phối tài nguyên giáo dục.
Một số học sinh nói với Global Times rằng thiết bị học tập AI chưa đủ thông minh, thường mắc lỗi hoặc hiểu sai. Các em cũng cho biết một số thiết bị thực chất chỉ là các gói ứng dụng dùng AI như một chiêu tiếp thị, không thể cá nhân hóa việc giảng dạy. Việc cập nhật kiến thức cũng chậm, ngân hàng câu hỏi cứng nhắc có thể gây hiểu lầm cho học sinh.
Cùng với những bất cập trong dạy học, mô hình phòng học AI cũng tạo ra sự mơ hồ trong việc giám sát quản lý dạy và học thêm.
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng các nhà điều hành phòng học AI cố ý lách luật dạy thêm bằng cách tránh gắn thương hiệu với các từ khóa liên quan dạy thêm, học thêm.
Theo đó, giấy phép kinh doanh và tài liệu tiếp thị đều tránh dùng các từ như "giáo dục", "đào tạo" hoặc "dạy thêm" và thay vào đó bằng cái mác "truyền thông văn hóa", "dịch vụ công nghệ" để tạo cảm giác không liên quan dạy thêm.
Ngoài ra, những cơ sở này cũng lách luật bằng cách vận hành theo hình thức hội viên thay vì thu học phí. Như vậy, chi phí sử dụng phòng học được coi như tiền thuê không gian hoặc quyền sử dụng dịch vụ.
So với dạy kèm truyền thống, phòng học AI là lựa chọn rẻ hơn. Một buổi học gia sư một kèm một có thể tốn hàng trăm đến gần 1.000 nhân dân tệ chỉ trong hai giờ, trong khi phòng học AI chỉ thu phí khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 400 USD).Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục vẫn hoài nghi về hiệu quả và tác động pháp lý của mô hình này. Ông Xue Haiping, chuyên gia về chính sách đào tạo tại Bộ Giáo dục Trung Quốc, nói với CCTV rằng các phòng học AI thực chất là một dạng dạy thêm ngoài trường quy mô nhỏ hơn, khó kiểm soát hơn, và đang phổ biến tại các thành phố nhỏ. “Mục tiêu chính là luyện đề và nâng điểm. Nó chỉ là phiên bản phân tán và vô hình hơn của dạy thêm truyền thống", ông Xue nhận định. Chung quan điểm, ông Wu He, nhà nghiên cứu cấp cao tại một công ty phần mềm giáo dục K-12, nói rằng các phòng học kiểu này không có năng lực AI thực sự, mà chỉ dựa vào lời nhắc được lập trình sẵn thay vì tương tác thực với học sinh. “Học sinh luyện thi thường không đặt câu hỏi, và những công cụ này cũng không khuyến khích trẻ tư duy phản biện", ông Wu nói.Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.