Ký ức hào hùng ngày 30.4.1975 qua lời kể của đại tá Trần Văn Thân

Trong buổi họp mặt sáng 28.4, đại tá Trần Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, xúc động kể lại ký ức chiến đấu ở cầu Bông, cầu Xáng, căn cứ Đồng Dù và những hy sinh thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng 30.4.1975.
Ngày 28.4, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức họp mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các cán bộ cấp trung đoàn và tương đương trở lên là nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM; trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam… cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành TP.HCM.
Tại buổi họp mặt, đại tá Trần Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 (một trong năm cánh quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh), đã kể lại ký ức hào hùng của ngày 30.4.1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 64 được tăng cường cho Sư đoàn Bộ binh 10, phối hợp Trung đoàn Đặc công đánh chiếm cầu Bông (nay là cầu An Hạ, nối huyện Củ Chi và Hóc Môn) và cầu Xáng (huyện Hóc Môn), chốt giữ hai cây cầu huyết mạch dẫn vào Sài Gòn.
"Đây là hai cây cầu độc đạo, xung quanh là đồng lúa, muốn vào Sài Gòn buộc phải đi qua đây. Địch rất xảo quyệt, cho gài lượng thuốc nổ lớn quanh trụ cầu, sẵn sàng phá cầu nếu quân ta tấn công", đại tá Thân kể.
Rạng sáng 29.4.1975, Trung đoàn 64 phối hợp cùng Trung đoàn 198 đặc công tập kích địch ở đầu cầu Bông. Sau ba giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta làm chủ cầu Bông và cầu Xáng. Lực lượng đặc công nhanh chóng tháo gỡ thuốc nổ địch gài tại chân cầu, trong khi Trung đoàn 64 tiến quân đánh chiếm khu vực ấp Chợ và Hóc Môn.
Cùng thời điểm, chủ lực Sư đoàn 320 tấn công căn cứ Đồng Dù, "cánh cửa thép" phía tây bắc Sài Gòn, rộng 8 km², với 13 lớp hàng rào và 3.000 quân địch, tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 25 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cửa ngõ tây bắc Sài Gòn được mở toang, tạo điều kiện cho các đơn vị thọc sâu tiến vào nội đô.
Sáng 30.4.1975, Quân đoàn 3 đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Trung đoàn 64 chia thành hai mũi: một mũi theo đường Lê Văn Duyệt (nay thuộc quận Bình Thạnh) tiến về Dinh Độc Lập; mũi còn lại theo đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đánh vào cư xá sĩ quan Mỹ.
Tại mũi đường Công Lý, Trung đoàn 64 bị tàn quân địch tập kích, khiến 12 chiến sĩ bị thương và 4 người hy sinh ngay sau thời điểm lá cờ Tổ quốc cắm trên nóc Dinh Độc Lập.
Nhắc lại những ký ức ấy, đại tá Thân không khỏi xúc động. Ông cho biết, chiến thắng tại căn cứ Đồng Dù và toàn bộ chiến dịch đã đánh đổi bằng sự hy sinh anh dũng của gần 200 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 cùng người dân huyện Củ Chi. Nhiều đồng đội đã ngã xuống ngay trước khoảnh khắc đất nước giành độc lập, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi.
Một ký ức sâu đậm khác trong lòng đại tá Thân là tình cảm gắn bó giữa quân với dân. Trong những thời khắc cam go, người dân Sài Gòn - Gia Định không quản hiểm nguy, tự nguyện dùng xe lam, xe kéo, phương tiện cá nhân để dẫn đường cho bộ đội chiếm lĩnh các cứ điểm trong thành phố. Khi Trung đoàn 64 có thương vong ở cư xá sĩ quan Mỹ, người dân đã nhanh chóng đưa các chiến sĩ bị thương về nhà hoặc đến Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) cứu chữa.
Đại tá Trần Văn Thân khẳng định, chiến thắng 30.4.1975 là thành quả chung của quân và dân, trong đó người dân Sài Gòn - Gia Định có đóng góp rất lớn.