Kinh tế Trung Quốc bắt đầu lộ 'vết nứt' lớn, hứng trọn tác động từ thuế quan

Mức thuế quan cao kỷ lục mà Washington áp đặt đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất và đơn hàng xuất khẩu của Bắc Kinh.
Theo số liệu công bố ngày 30/4 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 năm 2022.
Trong khi đó, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) – thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe ngành sản xuất, cũng giảm mạnh xuống còn 49, thấp hơn ngưỡng tăng trưởng 50 và là mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Đơn hàng xuất khẩu mới chỉ đạt 44,7 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Sự sụt giảm mạnh mẽ này cho thấy mức thuế lên tới 145% mà ông Trump áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang gây xáo trộn cho “lực đẩy” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Diễn biến này đặt thêm áp lực lên Bắc Kinh trong việc tung ra các gói kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc – vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang bị ảnh hưởng nặng nề khi các doanh nghiệp Mỹ đồng loạt hủy hoặc trì hoãn đơn hàng, đặc biệt sau làn sóng gom hàng ồ ạt hồi đầu năm để tránh thuế.
Năm 2024, xuất khẩu vẫn đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ước tính của Goldman Sachs cho thấy từ 10 đến 20 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn thể hiện lập trường cứng rắn. Trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây, chính phủ nước này tuyên bố sẽ “không bao giờ nhún nhường trước Washington” và kêu gọi các quốc gia khác không khuất phục trước sức ép từ Mỹ. Để đáp trả, Bắc Kinh đã áp thuế lên hơn 100% đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược như lithium, đất hiếm – vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất pin và công nghệ cao.
Cuộc chiến thuế quan của ông Trump không chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại mà còn muốn các doanh nghiệp Mỹ đưa sản xuất quay trở lại nội địa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế hoài nghi về mức độ hiệu quả của chính sách này.
Tổng thống Trump cũng đã tạm hoãn áp thuế với các quốc gia đồng minh trong 90 ngày nhằm mở đường cho đàm phán, nhưng Trung Quốc không nằm trong danh sách miễn trừ. Mỹ thậm chí còn gây sức ép để các nước khác hạn chế giao thương với Trung Quốc nếu muốn tiếp cận thị trường Mỹ.
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo tăng trưởng toàn cầu có thể suy giảm nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang. Tại châu Á, xuất khẩu của Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng 4 cũng cho thấy dấu hiệu suy yếu. Dữ liệu vận tải biển cho thấy lưu lượng hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đang sụt giảm.
Nhà Trắng được cho là đang để ngỏ khả năng giảm thuế với một số mặt hàng Trung Quốc để giảm căng thẳng. Song, thực tế cho thấy 2 bên vẫn chưa tiến hành các cuộc đàm phán thương mại. Một số lĩnh vực như điện thoại thông minh, thiết bị bán dẫn và phụ tùng hàng không đã được miễn thuế tạm thời, nhưng triển vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện vẫn còn rất mờ mịt.
Trong bối cảnh đó, các hãng phân tích như Capital Economics đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2025 xuống chỉ còn 3,5%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu khoảng 5% mà Bắc Kinh đặt ra.
Công ty này lưu ý rằng dù dữ liệu khảo sát có thể phần nào phản ánh tâm lý bi quan nhiều hơn thực trạng, nhưng vẫn cho thấy rõ áp lực gia tăng đối với nền kinh tế này. Nếu không tính thời kỳ đại dịch, số liệu đơn hàng xuất khẩu tháng 4 là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tham khảo WSJ