Kinh doanh dịch vụ sân bay ‘gà đẻ trứng vàng’, Sasco trả thu nhập nhân viên tăng hai con số

Theo báo cáo thường niên công bố mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) cho biết tại thời điểm 31-12-2024, tổng số lao động tại doanh nghiệp là 1.161 người.
Thu nhập lao động tại Sasco được cải thiện
Thu nhập bình quân từ quỹ lương năm ngoái đạt 29,9 triệu đồng/người, tăng 12% so với năm 2023.
Báo cáo cũng cho biết tổng thu nhập của hội đồng quản trị năm 2024 (không bao gồm tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị tham gia điều hành) là 3,55 tỉ đồng. Trong khi tổng thu nhập của ba thành viên ban kiểm soát năm ngoái hơn 2,56 tỉ đồng.
Còn báo cáo tài chính thuyết minh chi tiết ở ban điều hành, ông Nguyễn Văn Hùng Cường - tổng giám đốc - nhận thu nhập 952 triệu đồng, tăng 15%.
Sasco tăng chi trả thu nhập cho người lao động trong bối cảnh kết quả kinh doanh khởi sắc, lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỉ đồng, tăng 47% so với kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu của Sasco đạt 2.789 đồng/cổ phiếu, tăng 46%.
Sang quý 1-2025, tình hình kinh doanh của Sasco tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Sasco ghi nhận doanh thu thuần đạt 764 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh phòng chờ thương gia chiếm lớn nhất với gần 229 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Đây cũng là mảng được ví như "gà đẻ trứng vàng" của Sasco vì biên lợi nhuận gộp cao.
Ở quý đầu năm, giá vốn bỏ ra cho mảng phòng chờ là 43,5 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận gộp thu về của Sasco ở mảng này đạt gần 186 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần giá vốn bỏ ra.
Lợi nhuận gộp được tính bằng cách lấy doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán, chưa bao gồm một số khoản chi phí như lãi vay (nếu có) và thuế…
Theo Sasco, tháng 11-2024, công ty này đã ra mắt phòng chờ The SENS Leisure Lounge tại sân bay Phú Quốc.
Công ty này tiết lộ đây là một bước trong chiến lược mở rộng hệ thống phòng chờ khắp sân bay Việt Nam, đặc biệt tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và gia nhập mạng lưới phòng chờ của Airport Dimensions trên toàn thế giới.
Ai là cổ đông lớn của "gà đẻ trứng vàng" Sasco?
Sau mảng phòng chờ, doanh thu hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế cao thứ hai trong tổng cơ cấu của Sasco, chiếm 223 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn mảng này trong quý đầu năm đạt 176,8 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt hơn 46 tỉ đồng.
Trong khi doanh thu hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác của Sasco đạt gần 92 tỉ đồng, tăng 25%. Đây cũng là mảng hiệu quả của Sasco khi giá vốn chỉ chiếm 22 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 70 tỉ đồng. Còn lại nguồn thu đến từ hoạt động khác được Sasco gộp lại đạt 220 tỉ đồng chỉ trong quý 1, tăng 15%.
Gộp lại toàn bộ các mảng, tỉ suất lợi nhuận gộp quý 1-2025 của Sasco đang ở mức gần 40% - "ước mơ" của nhiều doanh nghiệp khác. Cũng nhờ vậy, dù các chi phí hoạt động đều tăng lên, lãi sau thuế của Sasco vẫn đạt 112,7 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Sasco, lãi tăng mạnh do thị trường hàng không phục hồi. Đồng thời công ty đã áp dụng nhiều chương trình kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ, hàng hóa…
Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của công ty này là bán lẻ, kinh doanh hàng miễn thuế và kinh doanh dịch vụ tại thị trường mục tiêu là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cũng theo báo cáo thường niên 2024, cơ cấu cổ đông của Sasco bao gồm 4 cổ đông lớn. Trong đó, 3 doanh nghiệp liên quan ông Johnathan Hạnh Nguyễn (chủ tịch hội đồng quản trị Sasco) nắm hơn 45% vốn tại thời điểm cuối năm 2024.
- Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm 49,07%
- Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP) nắm 24,98%
- Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) nắm 4,93% (hiện đã giảm)
- Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) nắm 15,39%