Nhảy đến nội dung
 

Kiến nghị Cơ quan thuế không xử phạt người bán đã thực hiện nghĩa vụ xuất hóa đơn nhưng không có thông tin người mua

Trong cùng bối cảnh hệ thống vận hành mới còn đang trong quá trình hoàn thiện, một trong những vướng mắc kỹ thuật lớn nhất hiện nay khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP (NĐ70) có hiệu lực chính là gây áp lực lên nhóm kinh doanh trung gian khi yêu cầu bắt buộc người bán phải thu thập thông tin định danh của người mua để lập hóa đơn.

Nghị định 70/2025/NĐ-CP (NĐ70) được đánh giá là bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch và hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế. Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, giảm thất thu ngân sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế.

Nghị định 70 yêu cầu trên hóa đơn điện tử phải có mã số thuế hoặc số định danh cá nhân của người mua, trừ trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua không kinh doanh. Quy định này dẫn đến khó khăn cho các hộ kinh doanh, vì trên thực tế nhiều khách hàng đến mua hàng mà hộ kinh doanh không thể xác định được họ là cá nhân tiêu dùng hay cá nhân kinh doanh. Trong trường hợp người mua không cung cấp thông tin, người bán cũng không có quyền yêu cầu bắt buộc, dẫn đến rủi ro hộ kinh doanh có thể bị cơ quan quản lý nhà nước đánh giá là có hành vi vi phạm quy định về hóa đơn.

Nhiều đại lý phân phối và nhà bán buôn cũng bày tỏ lo ngại sẽ bị quy kết “xuất hóa đơn sai đối tượng” hoặc “thông đồng trốn thuế” nếu không thể chứng minh được danh tính người mua trong hồ sơ hóa đơn. Vì vậy, việc sớm ban hành hướng dẫn cho phép người bán ghi rõ “Người mua không cung cấp thông tin” trong các trường hợp giao dịch khi người mua không cung cấp thông tin như mã số thuế hoặc số định danh cá nhân là cần thiết để đảm bảo tính khả thi trong vận hành, đồng thời góp phần chuẩn hóa cơ sở pháp lý giữa các mắt xích khác nhau trong chuỗi cung ứng.

Trách nhiệm của người bán nên được coi là hoàn tất khi họ đã xuất hóa đơn đầy đủ cho các giao dịch bán hàng của mình cho dù các hóa đơn đó có đầy đủ thông tin người mua hay không. Nếu người mua hàng của các đại lý phân phối và các nhà bán buôn để bán lại không có đủ hóa đơn đầu vào cho hàng hóa của họ thì đây là trách nhiệm của họ và không phải trách nhiệm của các đại lý phân phối hay các nhà bán buôn. Việc kiểm tra để đảm bảo các hàng hóa lưu thông trên thị trường đều có hóa đơn đầu ra và đầu vào là trách nhiệm của cơ quan thuế. Sự thiếu linh hoạt trong quy định đang dẫn đến tình trạng ách tắc dòng hàng, gián tiếp làm gián đoạn chuỗi cung ứng hợp pháp, đi ngược với mục tiêu hiện đại hóa quản lý thuế.

Việc yêu cầu hóa đơn phải có đầy đủ mọi thông tin của người mua không chỉ khiến giao dịch bị gián đoạn ở khâu xuất hóa đơn dẫn tới tình trạng ách tắc dòng hàng gián tiếp làm gián đoạn chuỗi cung ứng hợp pháp, mà còn kéo theo rủi ro trong giai đoạn hậu kiểm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh dù đã lập hóa đơn đầy đủ, kê khai chính xác và thực hiện nghĩa vụ thuế vẫn có thể bị đặt vào diện kiểm tra nếu không truy xuất được danh tính người mua. Nếu nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đã được hoàn thành bởi người bán, thì việc hậu kiểm không nên trở thành cơ sở để quy kết vi phạm, trừ khi có dấu hiệu cố ý sai phạm rõ ràng.

Khả năng tiếp cận và thực thi cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố quy mô và điều kiện địa lý. Các hộ kinh doanh tại đô thị có điều kiện tiếp cận thông tin, hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ thuận lợi hơn so với khu vực nông thôn, miền núi. Trong số các hộ được khảo sát, nhóm kinh doanh tại vùng nông thôn, miền núi cho biết họ gần như không có khả năng tham gia vì thường tự làm tất cả, không có thời gian và lãi không đủ để thuê người làm. Từ đó, một số kiến nghị bổ sung cũng đã được ghi nhận tại Hội thảo tham vấn về kết quả điều tra hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn, chứng từ tại NĐ70 của VCC như không xử phạt hành chính trong giai đoạn từ 01/6 đến 31/12/2025; không nên hồi tố nghĩa vụ thuế, không truy thu và không xử phạt đối với các giao dịch trước thời điểm hộ kinh doanh chính thức chuyển sang phương pháp kê khai Và quan trọng nhất, cần lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn để chính sách sát với nhu cầu, phù hợp với ý kiến của người dân.

Không thể phủ nhận, chủ trương số hóa hóa đơn, chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai, hay truy xuất giao dịch theo mã định danh đều là những cải cách cần thiết trong tiến trình cải tổ thể chế tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trong bất kỳ tiến trình cải cách nào, khả năng thực thi trên thực tế luôn là yếu tố quyết định. Chỉ khi chính sách trở nên khả thi, người nộp thuế mới có thể an tâm thực hiện, và cơ quan quản lý mới có thể thực thi hiệu quả. Đây là cũng là cách để thực hiện ưu tiên của Chính phủ: tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh phát triển, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu cải cách thể chế và ổn định sinh kế người dân.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn