Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy để tích hợp với căn cước công dân

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị số hóa sổ hồng, tích hợp vào căn cước công dân nhằm minh bạch quản lý đất đai, ngăn làm giả và hỗ trợ quy hoạch.
![]() |
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị số hóa sổ hồng. Ảnh: S.T. |
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy TP.HCM kiến nghị về việc số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) và điều chỉnh chính sách tính tiền sử dụng đất.
Theo cơ quan này, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc số hóa sổ hồng sẽ tạo nền tảng dữ liệu đất đai thống nhất, hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý thuế bất động sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ.
Do đó, Viện đề xuất tích hợp thông tin thửa đất và tờ bản đồ trực tiếp vào mã định danh công dân. Giải pháp này phù hợp với Luật Đất đai 2024 và định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, việc số hóa cũng sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và chính xác trong công tác quản lý đất đai, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược trong thời kỳ số hóa.
"Giải pháp này không chỉ giúp cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác lập quyền sở hữu mà còn tránh được tình trạng làm giả giấy tờ. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này sẽ là nền tảng phục vụ nhiều lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, thu thuế, phù hợp với định hướng của Luật Đất đai 2024 về xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai", Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường phân tích.
Bên cạnh đó, Viện cũng kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số quy định trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP, đặc biệt là tại Điều 8 quy định cách tính tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cho biết phương pháp tính mới đang khiến chi phí chuyển mục đích tăng vọt, thậm chí gấp gần 20 lần so với trước đây ở một số nơi. Điều này gây ra áp lực tài chính lớn, khiến người dân e ngại làm thủ tục, dẫn đến lượng hồ sơ chuyển mục đích sụt giảm rõ rệt, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Ngoài ra, Viện cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất giữa Điều 8 và Điều 9 của Nghị định khi không áp dụng hệ số phần trăm trong công thức tính hệ số K hoặc Kn, gây khó khăn trong quá trình tính toán và thu tiền. Hệ quả là việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong quý IV/2024 và quý I/2025 gần như đình trệ, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển khu vực tư nhân theo Nghị quyết 68.
Từ thực tế nêu trên, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức đánh giá toàn diện Nghị định 103 để có những điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách pháp luật và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.