Kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng từ khâu trồng trọt đến từng container xuất khẩu

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết đã yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng từ khâu trồng trọt đến từng container xuất khẩu. Ông cảnh báo vi phạm nghiêm trọng quy trình sản xuất sầu riêng sẽ bị xử lý hình sự.
Chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đều khẳng định cần phải trung thực trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu mới giữ được uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam. Với trường hợp gian lận nghiêm trọng, cần xử lý hình sự để bảo vệ uy tín ngành hàng, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.
Các giải pháp này được nêu ra tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào ngày 24-5, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh do Trung Quốc siết kiểm soát chất cấm (dư lượng cadimi và chất vàng O).
Thị phần sầu riêng Việt tại Trung Quốc giảm
Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh hiện có gần 39.000ha sầu riêng, chiếm hơn 21% diện tích cả nước, sản lượng năm 2024 đạt khoảng 380.000 tấn, hơn một nửa xuất khẩu chính ngạch.
Năm 2024 ghi nhận sầu riêng mang về gần 3,3 tỉ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy nhiên con số này có thể sụt giảm nếu các rào cản kỹ thuật không được tháo gỡ, trong khi Thái Lan, Malaysia, Campuchia đang tăng tốc xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời các quy định kỹ thuật ngày càng khắt khe từ phía đối tác đang là thách thức lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong nửa đầu tháng 2-2025 Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 3.500 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, giảm đến 80% so với cùng kỳ năm 2024.
Thị phần sầu riêng Việt tại thị trường này cũng lao dốc, từ 42% còn 28%. Số liệu trong bốn tháng đầu năm 2025 cho thấy sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 46%, kim ngạch giảm gần 48% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính là việc Trung Quốc siết kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu về chỉ tiêu cadimi và chất vàng O - các chất có thể gây hại sức khỏe nếu tồn dư vượt ngưỡng. Đã có nhiều lô hàng bị trả về hoặc cảnh báo. Tình trạng vi phạm, làm giả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng khiến doanh nghiệp và người dân lâm vào thế khó.
Ông Hoàng Trọng Cường, trưởng thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), cho hay nhiều hộ dân lo lắng vì hàng trăm tấn sầu riêng sắp thu hoạch chưa có đầu ra. "Trồng sầu riêng tốn nhiều công sức, chi phí lớn, nếu không xuất được sẽ lỗ nặng", ông Cường nói.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm rà soát loại bỏ các mã số vi phạm để không ảnh hưởng đến cả chuỗi sản xuất. Đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ mở rộng thị trường mới, đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt bền vững.
"Bộ cần phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời kiến nghị phía Trung Quốc bỏ kiểm tra 100% để giảm chi phí, áp lực cho doanh nghiệp", đại diện hiệp hội nêu.
Sẽ hướng dẫn về dư lượng cadimi và chất vàng O
Phải mạnh tay với gian lận trong xuất khẩu sầu riêng bằng cách nào?
Ông Nguyễn Thiên Văn đề xuất hoàn thiện khung pháp lý giám sát chất lượng nông sản xuất khẩu, trong đó có quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định về ngưỡng an toàn.
Ông cũng kiến nghị công nhận phòng kiểm nghiệm tại địa phương để rút ngắn thời gian, chi phí gửi mẫu ra Hà Nội hay TP.HCM. "Nếu phòng kiểm nghiệm tại tỉnh được công nhận, chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân kiểm tra chất lượng ngay trước khi xuất hàng", ông Văn nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết bộ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ cũng đang đàm phán với Trung Quốc để mở rộng vùng trồng, công nhận thêm cơ sở đóng gói, đồng thời sớm ban hành hướng dẫn về dư lượng cadimi và chất vàng O. "Nếu không kiểm soát chặt vùng trồng và chất lượng, xuất khẩu có thể giảm một nửa", ông Đạt cảnh báo.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết đã yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng từ khâu trồng trọt đến từng container xuất khẩu. Ông thừa nhận vẫn còn nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, khiến một số lô hàng bị trả về, làm giảm uy tín ngành hàng.
Bộ đã làm việc với Hải quan Trung Quốc để cấp thêm 829 mã số vùng trồng, 131 mã số cơ sở đóng gói và sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra xử lý nghiêm vi phạm.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại khi hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - nơi thuận lợi về logistics nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong cao điểm thu hoạch. Bộ cũng đang tích cực nghiên cứu giải pháp đa dạng hóa thị trường, tìm cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, Nam Mỹ..., đồng thời khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm để giảm thiểu rủi ro khi thị trường chính biến động.