Không còn cách ly tập trung với người mắc COVID-19: Đây là lý do

TPO - Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận gần 150 ca mắc COVID-19, với xu hướng gia tăng nhẹ trong ba tuần gần đây. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đây không phải là dấu hiệu đáng báo động bởi dịch bệnh hiện đã trở thành bệnh lưu hành, được xếp vào nhóm B - tương tự như cúm mùa.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, cả nước ghi nhận 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các ca bệnh rải rác, không ghi nhận ổ dịch tập trung hay ca tử vong.
Đáng chú ý, trung bình trong ba tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 20 ca mắc mới. Bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác giám sát dịch, chủ động phòng, chống lây lan tại cộng đồng và sẵn sàng điều trị hiệu quả các ca bệnh, đặc biệt với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền…
COVID-19 đã được xếp vào nhóm B – Người dân không cần cách ly bắt buộc
Từ tháng 10/2023, Bộ Y tế chính thức điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (nguy hiểm, lây lan nhanh nhưng không còn ở mức báo động cao). Điều này có nghĩa là các biện pháp kiểm soát dịch sẽ linh hoạt và tương tự như cách ứng phó với cúm mùa.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), việc phân loại này phản ánh đúng bản chất hiện nay của dịch COVID-19: “Bệnh không mất đi, có thể gia tăng theo chu kỳ như cúm, nhưng không nên quá lo lắng vì hầu hết các ca mắc hiện nay đều nhẹ và chưa có trường hợp nặng”.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Không nên chủ quan. Các cơ sở y tế cần luôn sẵn sàng để không bị động nếu tình hình có diễn biến bất ngờ”.
![]() |
Khu vực cách ly bệnh nhân truyền nhiễm tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội). |
Hiện nay, biến thể đang lưu hành chủ yếu vẫn là chủng nhẹ thuộc Omicron. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao như người già, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể trở nặng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Bộ Y tế khuyến cáo: Người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày, đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác; khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh và người tiếp xúc gần cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; người chăm sóc hoặc ở cùng nhà cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh thường xuyên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn ghế, thiết bị cầm tay…
Các khuyến cáo
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch: Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng và cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể trạng, ăn uống đủ chất và vận động hợp lý; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.Ngoài ra, người dân trở về từ các quốc gia đang có số ca mắc COVID-19 tăng cao như Brazil, Anh, Thái Lan… nên chủ động theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc gần để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để theo dõi sát diễn biến dịch bệnh toàn cầu và sẵn sàng áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng.