Nhảy đến nội dung

Khoảng 90% cử tri Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đồng ý sáp nhập tỉnh

92% cử tri Bình Dương, 99% cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu và 88% cử tri TP.HCM đồng ý sáp nhập 3 tỉnh thành. Tuy nhiên, cử tri lo lắng TP.HCM mới rộng, khó khăn trong việc làm thủ tục hành chính.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri về sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Cử tri lo lắng về khoảng cách địa lý

Theo đó, trong số 352.000 cử tri Bình Dương đã được lấy ý kiến, 92% cử tri đồng ý, 0,6% không đồng ý, còn lại có ý kiến khác.

Một số cử tri Bình Dương băn khoăn khi TP.HCM mới quá rộng, việc trao đổi trực tiếp của người dân với các cấp chính quyền sẽ không được thuận tiện. Trụ sở trung tâm hành chính xa, đi lại bất tiện, người dân liên hệ làm thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Cử tri còn lo ngại mỗi địa phương có một phong tục, tập quán, lối sinh hoạt khác nhau theo vùng miền nên việc sáp nhập lại sẽ gây không đoàn kết. 

Nhiều cử tri là người sinh sống từ lâu ở Bình Dương mong muốn giữ lại tên tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn lo lắng thay đổi tên tỉnh, tên xã thì thông tin giấy tờ liên quan phải thay đổi theo.

Một số cử tri còn có ý kiến hợp nhất Bình Phước và Bình Dương với nhau hay sáp nhập thêm huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Đồng Nai về TP.HCM mới.

296.000 cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được lấy ý kiến. Có 99% cử tri đồng ý, 0,2% không đồng ý, còn lại có ý kiến khác.

Tương tự cử tri Bình Dương, cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lo lắng sau sắp xếp, người dân mất thời gian đi lại để làm thủ tục. Một số cử tri không đồng ý nơi đặt trụ sở mới, giữ lại trụ sở các đơn vị cũ và đề nghị giữ lại tên Bà Rịa - Vũng Tàu.

1,7 triệu cử tri TP.HCM được lấy ý kiến, 88% cử tri đồng ý, 1,6% không đồng ý, còn lại có ý kiến khác. 

Cử tri TP.HCM nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sắp xếp. Cử tri đề nghị cần có giải pháp tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường vì quy mô diện tích và dân số tăng. Cử tri cũng đề nghị xem xét sử dụng trụ sở UBND đảm bảo thuận tiện, phù hợp cho người dân khi liên hệ.

Rà soát chung cư, bố trí chỗ ở cho cán bộ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đến TP.HCM làm việc

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng có góp ý về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đánh giá cao và thống nhất thực hiện việc sắp xếp tỉnh.

Tuy nhiên, việc sáp nhập ba tỉnh thành sẽ tạo thành một siêu đô thị đặc biệt, đặt ra thách thức rất lớn về quy mô dân số, địa bàn quản lý rộng và đa dạng. Do đó, cần có cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ. 

Đồng thời, cần rõ ràng về mô hình chính quyền đô thị, quy hoạch lại vùng hành chính hợp lý nhằm tránh xung đột chức năng giữa các trung tâm cũ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM nhanh chóng trang bị công nghệ, tập huấn cán bộ, công chức, nguồn nhân lực đảm bảo sử dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cần quy định rõ phương án sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập theo hướng công khai, minh bạch, có lộ trình và chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Nên có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm tự nguyện, đào tạo lại hoặc chuyển công tác phù hợp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị với Trung ương chấp thuận cho ba tỉnh thành chủ động cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách bên cạnh nghị định 178 của Chính phủ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP rà soát các chung cư để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đến nhận công tác tại TP.HCM và ngược lại.