'Khó tăng giá bán để bù thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản'

Tôi bắt đầu đầu tư bất động sản từ năm 2015 - thời điểm thị trường còn khá "ngon ăn". Thời ấy, tôi mua một miếng đất ngoại ô, chờ vài tháng, sang tay là lời ngay vài trăm triệu. Lúc ấy, tôi (và rất nhiều người khác) đều có một niềm tin gần như tuyệt đối: giá bất động sản chỉ có tăng. Nhà càng nhiều người mua thì càng hiếm, càng hiếm thì giá càng lên.
Vậy mà gần đây, khi nghe tin đề xuất áp thuế 20% trên phần lãi từ chuyển nhượng bất động sản, tôi thấy không ít người phản ứng rất tiêu cực. Họ bảo: "Áp thuế 20% thì giá nhà sẽ tăng 20% để bù vào thôi. Rồi lại khổ người mua!". Tôi chỉ cười. Vì tôi cũng từng nghĩ như họ, trước khi cuộc đời dạy cho tôi một bài học đắt giá.
Năm ngoái, tôi có một căn nhà phố nhỏ, vị trí không quá đẹp nhưng cũng dễ nhìn, nằm gần khu dân cư. Tôi rao bán với giá cao hơn thị trường khoảng 15% vì nghĩ "nhà khan hàng, ai mua cũng phải chấp nhận". Thế rồi ba tháng trôi qua không ai tới hỏi. Tôi chờ đến sáu tháng mới có vài người tới hỏi cho có rồi im bặt. Một năm sau, tôi vẫn chưa bán được nhà, buộc phải giảm giá xuống sát mặt bằng, rồi còn phải thương lượng thêm mới có người chịu mua.
Câu chuyện này làm tôi nhận ra: thị trường là một cái cân lớn, nó sẽ điều chỉnh mọi thứ, kể cả sự tham lam của người bán. Không có chuyện cứ thêm thuế là thêm giá. Vì nếu đẩy giá lên, người mua sẽ rút lại, khi đó cung nhiều hơn cầu, người bán sẽ lại phải quay về thực tế.
>> Nỗi lo người mua nhà gánh hết thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản
Tôi còn nhớ cách đây vài năm, người cho thuê mặt bằng nhà phố như "ông vua". Giá cứ tăng liên tục, người thuê phải cắn răng chịu vì kinh doanh đang lên, còn chủ nhà thì thà để trống chứ nhất định không giảm giá. Rồi kinh tế chững lại. Dịch bệnh ập đến. Kinh doanh lao dốc. Người thuê cắt lỗ, bỏ của chạy lấy người. Mặt bằng trống cả dãy phố. Chủ nhà lúc đó mới bắt đầu thấm đòn, từ chỗ hét giá, họ buộc phải giảm mạnh, đôi khi còn phải "năn nỉ" khách thuê quay lại.
Tôi nghĩ chính sách thuế lần này không nhằm mục tiêu "làm khó" ai, mà là làm chậm lại những cuộc mua bán chớp nhoáng chỉ để lướt sóng, đầu cơ bất động sản. Khi việc mua đi bán lại nhà, đất không còn "ngon ăn", những ai muốn đầu tư dài hơi sẽ phải tính kỹ hơn, chọn lựa cẩn thận hơn. Điều đó khiến thị trường dần ổn định hơn.
Người có nhà đất nếu cứ cố giữ giá thì sẽ lại rơi vào bài học cũ tôi từng trải. Còn nếu chấp nhận giảm biên lợi nhuận, giá sẽ mềm hơn, người mua thực sẽ quay lại. Đó là lúc cung – cầu gặp nhau, thị trường tự điều tiết.
Thị trường bất động sản không phải là phép cộng đơn giản kiểu: "giá nhà = giá bán + 20% thuế". Mọi thay đổi đều có chuỗi phản ứng của nó. Và nếu không lắng nghe thị trường, người bán mới là người chịu thiệt trước tiên. Với tôi, thuế chuyển nhượng lần này giống như một lần "giảm nhiệt", để thị trường bớt nóng sốt và quay về giá trị thực. Và như mọi thị trường tự do khác – ai linh hoạt, ai hiểu bản chất cung cầu, người đó sẽ tồn tại và đi xa.
Tu Hai