Khi nào Ninh Bình mới có show thực cảnh như 'Ấn tượng Lệ Giang' của Trung Quốc?

Ninh Bình có cảnh quan độc nhất vô nhị sao không làm một show thực cảnh mênh mông giữa trời và đất ở Tràng An như cách show Ấn tượng Lệ Giang nổi tiếng của Trung Quốc đã làm được?
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh dẫn chứng show Ấn tượng Lê Giang (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) và nói Ninh Bình cần tìm cách phát triển thương hiệu du lịch văn hóa tại hội thảo Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh.
Hội thảo diễn ra sáng 9-5 tại tỉnh Ninh Bình, bàn giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình để tạo động lực cho sự phát triển của ngành du lịch, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 3 triệu khách quốc tế tới đây.
Có thể xây dựng show thực cảnh ở Tràng An hay không?
Ông Lê Quốc Vinh kể, có một show thực cảnh mà nhiều người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc tìm chiêm ngưỡng cho bằng được là Ấn tượng Lệ Giang do Trương Nghệ Mưu làm tổng đạo diễn.
Điểm đặc biệt của show này không chỉ nằm ở chỗ là sân khấu cao nhất thế giới, mà còn có sự tham gia của hơn 300 diễn viên đa số là người dân địa phương, diễn liên tục 2-3 buổi/ngày bất kể có bao nhiêu khách.
Đây trở thành điểm nhấn, mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương diễn ra.
"Từ Ấn tượng Lệ Giang, liệu có thể xây dựng một show thực cảnh giữa trời đất ở Tràng An hay không?", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Theo ông Vinh, Ninh Bình có một cảnh quan độc nhất vô nhị. "Vậy tỉnh có thể xây dựng một thương hiệu văn hóa địa phương mạnh mẽ sử dụng lợi thế của chính thiên nhiên, con người và văn hóa của địa phương mình hay không?"
Từ góc độ truyền thông, ông cho rằng phát triển thương hiệu địa phương không đơn thuần là hoạt động marketing hay quảng bá thông thường. Để xây dựng thương hiệu địa phương cần phải xác định được ý tưởng trung tâm của thương hiệu hay còn gọi là giá trị cốt lõi.
"Quảng bá du lịch văn hóa ở Ninh Bình sẽ khác thế nào so với Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, hay Huế?", ông cho rằng "không chỉ giới thiệu cảnh đẹp hay văn hóa đơn thuần, phải chỉ ra được cho du khách biết được đâu là bản sắc đặc biệt/ duy nhất ở đây, mà những nơi khác không có".
Ông Lê Quốc Vinh chỉ ra một số yếu tố để phát triển thương hiệu văn hóa địa phương. Ngoài khác biệt, nguyên bản, người dân tham gia đồng sáng tạo, cần có những hoạt động tạo dấu ấn.
Ông nói festival lâu lâu mới diễn ra một lần không đủ dấu ấn lâu dài. Cần có những thương hiệu, show thực cảnh chất lượng cao ở Tràng An là một gợi ý mà Ninh Bình có thể nghiên cứu.
Hoạt động truyền thông và quảng bá cho du lịch cần đi sâu hơn việc giới thiệu chúng ta có gì hay mà biết "đánh" vào trải nghiệm của khách hàng, du khách, có thể mới "bán" được sản phẩm du lịch địa phương.
NSND Xuân Bắc, cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói việc xây dựng ở đây những chương trình biểu diễn ấn tượng hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên để làm được, bên cạnh những quy định của nhà nước, phải có những cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư của tư nhân; đồng thời tỉnh phải xây dựng hệ sinh thái toàn diện của các ngành công nghiệp văn hóa tại đây.
"Câu chuyện không phải là địa phương có gì"
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm phát biểu: "Ninh Bình là viên ngọc của du lịch Việt Nam nhưng câu chuyện của Ninh Bình không phải là địa phương có gì, mà là làm như thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, lan tỏa, vươn tầm quốc tế".
Thứ trưởng nêu một số gợi ý: Tỉnh cần coi văn hóa là tài nguyên đặc biệt, có khả năng tái tạo và sinh lợi lâu dài; từ đó tạo ra cơ chế, chính sách thu hút kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa chất lượng cao, chú trọng chuyển đổi số, xây dựng bộ chỉ số đo lường phát triển du lịch văn hóa bền vững…
Ông Jonathan Baker, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng ngoài khuyến khích Ninh Bình tăng cường tham gia vào các sáng kiến toàn cầu của UNESCO, một số chiến lược đặt ra: phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch, vườn ươm di sản, trao quyền cho thanh niên địa phương tham gia..
"Khi đặt văn hóa làm trung tâm của du lịch và cộng đồng làm chủ thể hành động, chúng ta có thể khai mở trọn vẹn tiềm năng của Ninh Bình như một điểm đến đẳng cấp quốc tế, một hình mẫu phát triển bền vững", ông nói.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch - chia sẻ toàn cầu hóa văn hóa làm gia tăng cạnh tranh về tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa.
"Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc phát huy tính liên ngành, xuyên ngành trong sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa công nghiệp văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng tại các điểm đến du lịch", bà nói.