Nhảy đến nội dung
 

Khi điểm chuẩn vào lớp 10 'chạm đáy'

Tại nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên... điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở nhiều trường THPT chỉ dao động từ 7 - 10 điểm cho 3 môn, tương đương dưới 3 điểm/môn.

Cá biệt, có nơi thí sinh chỉ đạt dưới 2 điểm/môn vẫn trúng tuyển vào lớp 10. Con số tưởng như khó tin này đang gióng lên hồi chuông báo động: Liệu chúng ta có đang đánh đổi chất lượng giáo dục phổ thông bằng việc mở rộng cánh cửa vào lớp 10 cho mọi đối tượng mà thiếu cơ chế hỗ trợ và phân luồng phù hợp?

Nguyên nhân điểm chuẩn lớp 10 "chạm đáy"

Một số nguyên nhân khiến điểm chuẩn "chạm đáy" khi thi tuyển sinh vào lớp 10 như hiện nay có thể kể đến:

Một là, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền khi triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên toàn quốc.

Nguyên nhân này bắt nguồn từ điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở nhiều địa phương vùng xa, vùng sâu dẫn đến hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, thiếu giáo viên được bồi dưỡng chuyên sâu và thiếu thiết bị dạy học phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Đồng thời, học sinh ở các vùng này bước vào bậc THCS với nền tảng đầu vào còn chưa cao, lại tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình học tập do thiếu môi trường học tích cực, chưa được hỗ trợ đầy đủ trong quá trình chuyển đổi phương pháp.

Trong khi đó, học sinh ở đô thị có lợi thế về nền tảng học tập, điều kiện gia đình và sự hỗ trợ ngoài nhà trường, từ đó tạo ra khoảng cách ngày càng lớn về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.

Thứ hai, do độ "vênh" giữa chương trình - dạy học - thi cử ngày càng lớn.

Trong khi giáo viên được yêu cầu chuyển sang dạy học phát triển năng lực và vẫn còn trong thời gian quá độ để chuyển tiếp toàn diện thì đề thi đã tiếp cận ra đề với câu hỏi thi theo phương thức đánh giá năng lực học sinh. Kết quả là học sinh có thể học tập ở mức trung bình trên lớp vẫn có thể bị điểm thấp vì không quen với dạng đề thi mới hoặc áp lực thi cử.

Thứ ba, đề thi có thể chưa phản ánh đúng định hướng năng lực và sát với yêu cầu cần đạt của chương trình hoặc có số lượng câu hỏi ở cấp độ cơ bản chưa đủ lớn để "cứu cánh" cho nhóm thí sinh có năng lực trung bình.

Nhiều đề thi vẫn nặng về ghi nhớ, luyện đề, mẹo làm bài, thiếu tình huống gắn thực tiễn, đi ngược lại định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, đề thi chưa đảm bảo sự cân bằng giữa các vùng miền, tạo ra bất lợi rõ rệt cho học sinh nông thôn, miền núi.

Thứ tư, nền tảng kiến thức học sinh lớp 9 bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn học trực tuyến là một khó khăn rất lớn với học sinh vùng xa, vùng sâu.

Đề xuất một số giải pháp

Để giải quyết tận gốc tình trạng "điểm thấp vẫn trúng tuyển" nhưng chất lượng đầu vào không đảm bảo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp:

Trước tiên, việc cần triển khai ngay việc phân tích kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 theo từng khu vực, đối tượng dự thi để đánh giá chất lượng học sinh các vùng miền khác nhau và tìm hiểu rõ các nguyên nhân và đặc biệt là phân tích các câu hỏi thi bằng phương pháp phân tích khảo thí hiện đại để biết được tính phù hợp, độ tin cậy, độ giá trị của đề thi.

Từ các kết quả phân tích trên sẽ rõ nguyên nhân cốt lõi của việc điểm thấp của một số nhóm học sinh là do chất lượng học sinh hay do chương trình hay phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá chưa hiệu quả để có các kế hoạch phù hợp cho các lứa học sinh những năm tiếp theo.

Đồng thời, nghiên cứu áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển và xét tuyển theo vùng miền cho phù hợp với đối tượng xét tuyển, đảm bảo tính thống nhất, công bằng với các nhóm yếu thế.

Hai là, cần triển khai đối sánh dữ liệu học tập từ lớp 6 đến lớp 9 với điểm thi đầu vào lớp 10 để nhận diện xu hướng học tập, mức độ ổn định hay bất thường của kết quả. Trên cơ sở đó, có thể xây dựng chỉ số "độ lệch đánh giá" nhằm rà soát chất lượng đánh giá ở các cơ sở giáo dục, đồng thời hiệu chỉnh lại chuẩn đánh giá học sinh cho phù hợp với chương trình và mục tiêu giáo dục phổ thông mới.

Song song đó, cần rà soát và điều chỉnh lại ma trận, đặc tả đề kiểm tra định kỳ trong nhà trường theo hướng tiệm cận với năng lực, tăng cường đánh giá quá trình thực chất, và tập huấn giáo viên về kỹ thuật kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây là bước quan trọng để đảm bảo công bằng, minh bạch và chính xác trong việc phản ánh năng lực người học - không chỉ ở điểm số mà còn trong định hướng tương lai.

Ba là, cần có hoạt động đánh giá năng lực học sinh từ lớp 8, lớp 9, đồng thời triển khai bộ công cụ hỗ trợ tự đánh giá về hứng thú nghề nghiệp, sở thích của người học lồng ghép hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm thực tế trong chương trình chính khóa để chủ động phân luồng chủ động từ xa, từ sớm giúp cho học sinh lựa chọn việc học lên THPT hoặc học nghề phù hợp với năng lực và sở trường của chính mình.

Về lâu dài, cần phát triển mô hình trường THPT kỹ thuật tồn tại song song với trường THPT hiện hành được thiết kế là các trường THPT tích hợp đào tạo văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản (như điện - điện tử, cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin...) phù hợp với các vùng miền để khắc phục bài toán thiếu trường trung cấp nghề tại các vùng khó khăn, vùng xa, vùng sâu như hiện nay.

Học sinh sau tốt nghiệp trường THPT kỹ thuật có thể thi đại học hoặc đi làm ngay với chứng chỉ nghề. Đặc biệt, cần tạo cơ chế chuyển đổi và liên thông ngang giữa các hệ học sinh đang học THPT có thể chuyển sang học nghề và ngược lại mà không mất lộ trình phải học lại từ đầu.

Học sinh trung cấp nghề được hoàn thiện chương trình văn hóa để dự thi tốt nghiệp THPT. Thiết lập cổng dữ liệu chung kết nối hồ sơ học tập, năng lực, sở trường, hỗ trợ tư vấn với lộ trình phù hợp.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn