Khi bị phán xét "Cậu nói vậy mà được à", người thường chỉ vâng dạ, người EQ cao phản ứng tinh tế, chẳng thiệt thân mà lại mát lòng người

Trong thực tế, không ai tránh được những trường hợp bị phủ định hay phán xét như vậy. Nhưng phản ứng như thế nào để ghi điểm ngược lại thì không phải ai cũng biết.
Khi ai đó hào hứng chia sẻ một điều họ vừa khám phá, không ít người lại phản ứng bằng câu: “Cái này tôi biết từ lâu rồi.”
Khi nhân viên đề xuất một ý tưởng mới, một số lãnh đạo lại vội vàng chê bai: “Suy nghĩ của cậu có vấn đề gì sao?”
Nếu bạn có thói quen bác bỏ người khác, dần dần sẽ ít ai muốn mở lời với bạn. Các cuộc trò chuyện sẽ trở nên hiếm hoi và thiếu đi sự thoải mái, thậm chí bạn cũng chẳng thấy hứng thú khi tương tác cùng người khác. Ngược lại, người thường xuyên bị phán xét sẽ trở nên ngại ngùng, thu mình, và mất đi sự tự tin trong giao tiếp.
Quả thực, khi bị hỏi kiểu như: “Nói vậy mà cũng nói được à?”, phần lớn sẽ chọn cách im lặng cho qua. Tuy nhiên, người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết điều chỉnh cảm xúc và đưa ra phản hồi khéo léo hơn.
Dưới đây là ba gợi ý giúp bạn nâng cao kỹ năng phản hồi trong giao tiếp:
Mỗi người đều có cơ chế tự bảo vệ tâm lý để giữ vững quan điểm và lòng tự trọng của mình. Khi bị phản bác, cơ chế đó sẽ khiến họ tự động kháng cự, không muốn lắng nghe nữa, kể cả khi ý kiến đối lập có giá trị.
Vì vậy, lời phản hồi đầu tiên lý tưởng nhất nên là sự đồng thuận, đơn giản như: “Tôi hiểu” hay “Nghe hợp lý đấy.”
Khi bạn cho thấy sự chấp nhận, người đối diện sẽ cởi mở hơn và bạn cũng dễ tiếp nhận quan điểm của họ một cách khách quan hơn. Những người giao tiếp hiệu quả thường biết cách tạo không gian an toàn như vậy cho người khác.
Có 3 cách để thể hiện sự đồng tình mà bạn có thể tham khảo.
Một là, đồng ý đơn giản: Chỉ cần gật đầu hoặc nói “Bạn nói đúng,” bạn đã giúp người khác cảm thấy được tôn trọng.
Hai là, đồng thuận có chọn lọc: Nhấn mạnh và lặp lại phần bạn thấy hợp lý trong lời nói của họ. Ví dụ, nếu họ nói: “Quản lý con người cần linh hoạt theo từng cá tính,” bạn có thể phản hồi: “Đúng rồi! Biết dùng người theo điểm mạnh sẽ hiệu quả hơn nhiều.”
Ba là, thể hiện sự đồng cảm: Khi bạn thực sự thấu hiểu cảm xúc và trải nghiệm của đối phương, sự đồng cảm sẽ tạo nên kết nối sâu sắc. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự tương đồng về hoàn cảnh hoặc giá trị sống. Nếu chưa đạt tới mức này, chỉ cần hai cách đầu cũng đã đủ tạo thiện cảm.
Thái độ trong giao tiếp đóng vai trò quan trọng hơn cả nội dung. Đôi khi bạn đồng ý nhưng lại khiến đối phương thấy bạn đang “cho qua chuyện” chỉ vì cái gật đầu hờ hững.
Đặc biệt với những người diễn đạt chưa rõ ràng, họ cần bạn lắng nghe thật sự và đặt câu hỏi khéo léo, chứ không phải chất vấn.
Nếu muốn hỏi mà không gây cảm giác bị nghi ngờ, bạn có thể bắt đầu bằng sự công nhận. Ví dụ: “Tôi thấy bạn nói rất có lý. Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn không?”
Nên tránh từ ngữ tiêu cực hoặc gay gắt, không nên dùng “Sao lại thế?”, “Làm sao có thể?”, “Chắc chưa?”…
Thay vào đó, hãy hỏi kiểu: “Bạn có thể lấy ví dụ không?”, “Giải thích thêm được chứ?”, “Bạn có thể nói rõ lý do hơn không?”
Và bạn cũng nên giải thích rõ ý định nếu cần. Nếu cảm thấy đối phương có vẻ không thoải mái, bạn nên chủ động nói rõ: “Tôi hỏi vậy chỉ để hiểu thêm thôi, chứ không có ý phản đối.”
Khi đã tạo được sự tin cậy bằng việc lắng nghe và đặt câu hỏi phù hợp, bạn có thể đưa ra quan điểm khác biệt mà vẫn giữ được sự tôn trọng từ người đối diện.
Cách hiệu quả là sử dụng dẫn chứng cụ thể từ kinh nghiệm cá nhân hoặc tình huống thực tế. Điều đó không chỉ giúp bạn chứng minh được lập luận mà còn tránh biến cuộc trò chuyện thành cuộc tranh cãi.
Ví dụ: “Trước đây tôi từng làm theo kế hoạch tương tự, nhưng kết quả không như mong đợi vì...”
Trong môi trường làm việc, nếu không đồng ý với phương án của ai đó, hãy đề xuất giải pháp thay thế. Điều này cho thấy bạn đang đóng góp để giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần phản đối.
Tóm lại, giao tiếp không chỉ là trao đổi thông tin mà còn là nghệ thuật kết nối cảm xúc. Khi biết lắng nghe đúng cách, hỏi đúng lúc và phản hồi khéo léo, bạn sẽ trở thành người đối thoại đáng tin cậy, được người khác tôn trọng và tìm đến mỗi khi cần chia sẻ.