Nhảy đến nội dung
 

Khát vọng tự chủ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Khi đoàn xe VinFast VF 9 mui trần xuất hiện dẫn đầu lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cả triệu con tim Việt như hòa nhịp tự hào.

Đây không chỉ là một sự kiện lịch sử của đất nước, mà còn là cột mốc đáng tự hào của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với thương hiệu xe Việt lần đầu tiên thay thế các dòng xe ngoại.

Niềm tự hào trong ngày trọng đại

Dịp lễ 30-4, những chiếc VF 9 mui trần bóng loáng, chở các sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, uy nghi dẫn đầu đoàn diễu binh. Tiếng vỗ tay vang dội trong niềm hân hoan của hàng ngàn người dân.

"Sự xuất hiện của VF 9 trong ngày lễ 30-4 không chỉ là một sự kiện đơn thuần mà còn là minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước sau 50 năm thống nhất" - bà Phạm Chi Lan mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ Online.

"Sau chiến tranh, Việt Nam đã phục hồi kinh tế và từng bước phát triển. Để có một ngành công nghiệp ô tô mang thương hiệu Việt, làm chủ chuỗi giá trị là điều mà cách đây vài thập niên, ít ai dám nghĩ tới.

VinFast đang làm điều đó. Việc VF 9 dẫn đầu lễ diễu binh là biểu tượng cho khát vọng của dân tộc" - bà Lan nhấn mạnh. Trước đây các sự kiện trọng đại của đất nước thường sử dụng xe ngoại hoặc xe lắp ráp tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu nước ngoài.

Bà kể rằng, cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam mở cửa hội nhập, các chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Sau hàng thập niên, tỉ lệ nội địa hóa vẫn chưa thật sự phát triển.

Chúng ta từng tự hào khi các hãng xe lớn đặt nhà máy tại Việt Nam, nhưng thực chất, đó chỉ là gia công, lắp ráp. Thương hiệu, công nghệ, linh kiện cốt lõi đều thuộc về họ. Tỉ lệ nội địa hóa thấp, thường dưới 30%, khiến ngành ô tô phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc...

Các hãng xe ngoại nhận ưu đãi lớn về đất đai, thuế nhưng cam kết nội địa hóa gần như không được thực hiện. Họ mang linh kiện từ nước ngoài, lắp ráp tại Việt Nam. Đó không phải là ngành công nghiệp ô tô thực sự của chúng ta.

"Tôi từng đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng cần thay đổi cơ chế ưu đãi. Không thể cấp ưu đãi từ đầu mà không ràng buộc trách nhiệm nội địa hóa. Nếu họ không thực hiện, phải thu hồi. 

Nhưng khi ấy, chúng ta chưa đủ sức để làm điều đó. Các hãng xe ngoại thậm chí còn dọa rút khỏi Việt Nam nếu không được bảo hộ. Điều đó khiến tôi day dứt về một ngành công nghiệp ô tô thực sự của người Việt" - bà Lan nói.

Quan sát sự ra đời của VinFast vào năm 2017 cho đến nay, theo bà Lan đã thay đổi tất cả. "Khi VinFast khởi công nhà máy tại Hải Phòng, tôi rất bất ngờ và cũng hoài nghi. Làm ô tô không hề dễ, nhất là khi chúng ta chưa có nền tảng. 

Chỉ 21 tháng sau, doanh nghiệp đã ra mắt hai mẫu xe tại Paris Motor Show 2018. Đó là một kỳ tích, một bước ngoặt khiến tôi tin rằng người Việt có thể làm được những điều lớn hơn" - vị chuyên gia này nói.

Bà cho biết đến thăm nhà máy VinFast cách đây vài tháng cùng một số chuyên gia kinh tế. Dây chuyền sản xuất quy mô lớn, tỉ lệ nội địa hóa của VinFast cao hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này cho thấy họ không chỉ lắp ráp mà đang từng bước làm chủ chuỗi giá trị.

Bà nhấn mạnh rằng, khi nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh đi vào hoạt động, tỉ lệ nội địa hóa của VinFast sẽ còn tăng cao hơn nữa. Quyết định chuyển sang sản xuất xe điện 100% vào năm 2021 là một bước đi táo bạo khác của VinFast.

"Khi VinFast tuyên bố ngưng sản xuất xe xăng, tôi nghĩ đó là quyết định táo bạo. Xe điện là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư khổng lồ và cạnh tranh khốc liệt. Họ đã nhìn thấy xu hướng tương lai. Xe điện không chỉ là phương tiện, mà còn là giải pháp cho môi trường, giảm khí thải nhà kính" - bà Lan nhận định.

Khát vọng lớn, làm thật để tự chủ

Chỉ sau gần 8 năm kể từ lễ khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng từ năm 2017, hãng xe Việt đã viết nên những kỳ tích.

Từ chỗ chỉ là giấc mơ, VinFast đã nhanh chóng đưa thương hiệu Việt ra sân chơi toàn cầu, sánh vai cùng các "ông lớn" như Tesla, BYD...

Tháng 10-2018, chỉ một năm sau lễ khởi công, VinFast gây tiếng vang khi ra mắt hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại Paris Motor Show. Đến năm 2021, VinFast tuyên bố chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện, trở thành một trong những hãng xe tiên phong trong lĩnh vực này. Trên trường quốc tế, VinFast đã "cắm cờ" tại Mỹ, Canada, châu Âu, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á.

Tại thị trường nội địa, VinFast đã vượt qua các "ông lớn" như Toyota, Hyundai để trở thành hãng xe bán chạy nhất, chiếm hơn 30% thị phần trong quý 1-2025 với hơn 35.000 xe bán ra.

Theo các chuyên gia, hành trình của VinFast là câu chuyện về khát vọng lớn và tinh thần "làm thật". Thành công của VinFast là bài học quý giá về sự tự chủ.

"Tôi rất mừng khi Chính phủ gần đây đã chủ động 'đặt hàng' các tập đoàn tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia. Trước đây, như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cách đây 10 năm, doanh nghiệp Việt Nam gần như không có cơ hội. Chúng ta thấy rằng chỉ khi khuyến khích nội lực, giao nhiệm vụ cho tư nhân, Việt Nam mới có thể công nghiệp hóa thực sự" – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.