Khám phá lịch sử truyền bá Phật pháp tại Triển lãm Phật giáo Việt Nam - Ấn Độ

Các hình tượng thờ cúng mô tả Đức Phật Thích Ca, các vị Bồ tát và các dạng Sambhogakaya trong thế giới Phật giáo đa thần... là những hình ảnh nổi bật trong Triển lãm Phật giáo Việt Nam - Ấn Độ đang diễn ra tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam - Ấn Độ vừa được tổ chức tại hầm Tam Thế (chùa Tam Chúc, Hà Nam) với đa dạng các hiện vật trưng bày.
Triển lãm là một trong nhiều hoạt động văn hóa thuộc khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.
Đến với triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam - Ấn Độ, công chúng có thể khám phá hành trình lịch sử truyền bá Phật pháp từ Ấn Độ sang Việt Nam.
Các hiện vật được lựa chọn minh họa cách mà những giáo lý tinh thần và yếu tố văn hóa của Phật giáo được du nhập, thích nghi, hòa nhập vào xã hội Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Xuất phát từ 5h sáng, anh Nguyễn Kim Chính (ở Hà Nội) từ Hà Nội tới chùa Tam Chúc với mong muốn được hòa mình trong không khí của Đại lễ Phật đản Vesak 2025. "Sau khi chiêm bái xá lợi Phật xong, tôi không về ngay mà dành thời gian để tham quan một vòng xung quanh chùa. Khi di chuyển qua hầm Tam Thế, tôi bị thu hút bởi khu vực trưng bày triển lãm và quyết định nán lại xem. Nhiều hiện vật được bày biện đẹp và rất ý nghĩa", anh nói.
Một điểm nổi bật của triển lãm là những khảo sát về nghệ thuật cổ Việt Nam, đặc biệt qua các hình tượng thờ cúng mô tả Đức Phật Thích Ca, các vị Bồ tát và các dạng Sambhogakaya trong thế giới Phật giáo đa thần.
Tranh, ảnh về Phật giáo chiếm phần lớn trong các hiện vật được trưng bày bên cạnh nhiều hiện vật khác như khắc gỗ, tượng, mô hình sa bàn....
Chị Ngô Thu Thủy (ở Quảng Trị) chia sẻ: "Tôi vốn không am hiểu nhiều về Phật giáo, hôm nay bỗng có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng, cung thỉnh xá lợi Phật. Sau khi chiêm bái, tôi thêm phần hào hứng muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về sự đa dạng của tôn giáo".
Triển lãm cũng giới thiệu những mảnh kiến trúc từ các cơ sở tu viện Phật giáo ở Đông Dương, phản ánh câu chuyện cuộc đời Đức Phật.
Giám tuyển của Triển lãm là Tiến sĩ Abira Bhattacharya, còn trợ lý giám tuyển là Bảo tàng Quốc gia, Bộ Văn hóa - Chính phủ Ấn Độ.
Triển lãm mở cửa đón du khách tham quan từ 17/5 tới sáng ngày 20/5.