Khách Tây lè lưỡi vì ly cà phê sữa Việt 'quá tải vị giác'

Tuần rồi, tôi có dịp đón một người bạn nước ngoài tới chơi. Lần đầu đến Việt Nam, cậu ấy rất háo hức muốn thử món "cà phê sữa đá huyền thoại" mà tôi vẫn hay nhắc đến trong các cuộc trò chuyện trước đây. Tôi dẫn bạn ra một quán cà phê vỉa hè ở Sài Gòn với bàn thấp, ghế thấp, ly thủy tinh mỏng, đúng kiểu "cà phê truyền thống".
Nhìn cốc cà phê sữa được bưng ra, bạn tôi trợn tròn mắt quay sang hỏi: "Sao người Việt uống cà phê mà cho tới một phần ba cốc là sữa đặc vậy?". Tôi chỉ cười và ra hiệu mời bạn uống thử. Cậu bạn tôi hào hứng uống một ngụm lớn rồi nhăn mặt, lắc đầu lè lưỡi: "Ngọt quá". Tôi bật cười.
Với một người quen uống cà phê đen nguyên chất kiểu châu Âu, chỉ có espresso hoặc cappuccino với một chút sữa tươi như bạn, thì một ly cà phê sữa đặc của Việt Nam đúng là quá tải vị giác thật.
Một ly cà phê sữa đá truyền thống của Việt Nam có thể chứa đến ba, bốn muỗng sữa đặc, tương đương gần 20 g đường. Con số ấy gần bằng lượng đường mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên vượt quá trong một ngày. Nếu mỗi sáng đều đặn "nạp" một ly như vậy, chưa kể trà sữa, nước ngọt hay đồ ăn vặt khác trong ngày, thì lượng đường nạp vào cơ thể đang vượt xa mức cho phép.
>> Khách Tây sững sờ sau khi uống hết ly cà phê Việt
Tôi từng sống ở châu Âu vài năm, nên hiểu phần nào thói quen uống cà phê của người phương Tây. Ở Hà Lan, Italy, Pháp, Đức..., người ta thường uống cà phê đen nguyên chất, không đường, hoặc espresso shot, chỉ một ngụm nhỏ để tỉnh táo.
Nếu có thêm sữa, họ dùng sữa tươi không đường, hoặc sữa thực vật như sữa hạnh nhân, yến mạch, vốn ít đường và dễ tiêu hóa hơn. Đặc biệt, họ rất hiếm khi dùng sữa đặc có đường trong cà phê. Vị ngọt gắt không phải là điều họ tìm kiếm. Thứ họ muốn là hương vị tự nhiên, vừa đủ, không gây áp lực cho hệ tiêu hóa hay đường huyết.
Nói cách khác, uống cà phê với họ không phải để tự thưởng bằng vị ngọt, mà là thói quen tỉnh táo, bền vững, nhẹ nhàng, tốt cho sức khỏe. Còn nhiều người Việt có xu hướng uống cà phê như một món giải trí vị giác hơn là thói quen lành mạnh. Càng ngọt càng dễ nghiện. Nhiều người không uống nổi cà phê đen vì "đắng quá", thành ra phải đổ sữa đặc nhiều đến mức... lấn át luôn vị cà phê.
Vấn đề là cái ngọt đó không chỉ ở đầu lưỡi mà nó còn âm thầm tác động tới sức khỏe: gây tăng đường huyết, tiền tiểu đường, làm rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu, tăng cảm giác thèm đồ ngọt, nghiện đường, dẫn đến tăng cân... Đừng để vị ngọt "khé cổ" ngày nào đó trở thành vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe của bạn.
TL