Kết quả thi đánh giá năng lực 2025: Cạnh tranh ở mức điểm nào?

Theo chuyên gia, tuy là lần đầu tiên tổ chức thi theo cấu trúc mới, song kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 có phổ điểm đợt 1 không quá nhiều chênh lệch so với đợt 1 năm 2024 khi còn tổ chức theo cấu trúc cũ.
ĐIỂM DƯỚI TRUNG BÌNH CHIẾM 47,5%
Cụ thể, đợt 1 năm 2025 có phổ điểm lệch trái hơn so với đợt 1 năm ngoái khi tỷ lệ thí sinh (TS) điểm dưới trung bình (từ dưới 600/1.200 điểm trở xuống) là 60.092 người, chiếm 47,5% tổng số TS dự thi.
Đây là con số đáng chú ý, bởi lẽ đợt 1 năm trước, tỷ lệ này chỉ chiếm 37% (34.787 người), tức khoảng 1/3 số TS dự thi năm đó. Chưa kể, đợt thi lần này thậm chí có 1 TS đạt 0 - 50 điểm, 2 TS đạt 51 - 100, 3 TS đạt 101 - 150 và 5 TS đạt 151 - 200. Đây là các mốc điểm thấp mà ở đợt 1 năm trước không có TS nào rơi vào.
Điều này cho thấy đề thi đợt 1 năm 2025 có thể khó hơn đợt 1 năm trước, hay cũng có thể do nhiều TS không thực sự chú tâm trong kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên (GV) luyện thi ĐGNL trực tuyến tại TP.HCM, đánh giá. Tuy nhiên, hầu như không trường ĐH nào xét các điểm dưới trung bình nên mốc này không có nhiều ý nghĩa tuyển sinh, và TS chỉ cần quan tâm tới tỷ lệ đạt điểm trên 600.
Cụ thể, tổng cộng 66.201 TS đạt từ 600 điểm trở lên, cao hơn 7.163 người so với đợt 1 năm 2024 (59.038). Trong đó mức điểm từ 751 - 950, mốc mà nhiều trường ĐH dùng để xét tuyển, tăng không đáng kể so với đợt 1 năm 2024 là 5.169 người. Tuy vậy, khoảng điểm từ 901 - 1.050, mốc xét tuyển của một số ngành tốp đầu, lại chứng kiến số lượng TS tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái ở cả ba khoảng 901 - 950, 951 - 1.000, 1.001- 1.050.
NGÀNH CÓ MỨC ĐIỂM CAO VÀ TẦM TRUNG NHIỀU CẠNH TRANH ?
Hiện chưa thể dự báo được xu hướng điểm chuẩn các phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL năm nay ra sao, vì nhiều TS vẫn tiếp tục tham dự đợt 2 để bứt phá thành tích, cũng như điểm thi ĐGNL năm nay phải quy về thang chung 30 điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT. "Kết quả cuối cùng rất khó đoán định", thạc sĩ Công nhận định.
Tuy nhiên, trong trường hợp phổ điểm đợt 2 tương đương, TS có điểm phù hợp với các ngành tầm trung có thể phải cạnh tranh khá khốc liệt, theo thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống Lasan-Helius Education chuyên ôn luyện các kỳ thi riêng ở TP.HCM. Đó là vì TS ở nhóm này đông hơn trước.
Điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở các ngành "hot" tại những trường hàng đầu. Như năm 2024, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy 1.052 điểm cho ngành khoa học máy tính chương trình tiên tiến, 1.032 điểm cho ngành trí tuệ nhân tạo. Hay ở Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành như khoa học dữ liệu, khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm đều có điểm chuẩn trên 925 vào năm 2024.
Thầy Nguyễn Võ Minh Tâm, đồng sáng lập Trung tâm TTE-The Learning Center ở TP.HCM, nhận định: Một điểm đáng chú ý khác là chỉ số độ lệch chuẩn trong kỳ thi đợt 1 là 134,4 điểm, cho thấy sự phân tán điểm số vừa phải, đủ để các trường ĐH dễ dàng sàng lọc TS theo nhiều mức độ đầu vào khác nhau. Theo thầy Tâm, đỉnh của phổ điểm rơi vào khoảng 551 - 600 (với 17.540 TS), kế đến là 601 - 650 (16.741), cho thấy phần lớn TS đạt điểm chỉ ở mức trung bình khá.